Ý thức người dân nâng cao là yếu tố quyết định để kiềm chế cháy nổ

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nếu ý thức của người dân còn kém thì vô hình chung sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở bất cứ đâu, hay ở bất cứ tòa nhà nào dù cho đã đầy đủ an toàn PCCC… Ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC của mỗi người dân được nâng cao sẽ là một trong những yếu tố quyết định, kiềm chế cháy nổ.

Đó là chia sẻ của lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC số 9 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ.
Nỗ lực tuyên truyền nhưng có người dân vẫn thờ ơ
Theo lãnh đạo UBND quận Hà Đông, trong thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về PCCC và hướng dẫn kỹ năng PCCC cho nhiều khu dân cư, đặc biệt là cư dân sinh sống tại các tòa nhà chung cư cao tầng được trú trọng. Trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay do sản xuất kinh doanh, dịch vụ gia tăng; nhà cao tầng ngày được xây dựng nhiều nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ cao. Nhận thức của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có lúc, có nơi còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Công tác đảm bảo an toàn về PCCC trên địa bàn quận, qua báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC số 9 cho thấy: Tính đến ngày 19/3/2018, trên địa bàn Hà Đông có tổng số cơ sở nhà cao tầng là 78 (trong đó có 67 công trình đã được thẩm duyệt về PCCC, 11 công trình chưa được nghiệm thu).  Đối với 19 công trình nhà cao tầng vi phạm về PCCC đã có 6 công trình khắc phục  xong các tồn tại. 7 công trình chủ đầu tư có tiến hành khắc phục nhưng còn chậm về tiến độ.
 Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 9 tập huấn, nâng cao kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân trên địa bàn quận Hà Đông.
Đáng chú ý, có 3 công trình chủ đầu tư chủ đầu tư không có khả năng khắc phục Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, xử phạt, thu thập củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng. Các tòa nhà bao gồm: CT4 Văn Khê, Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, do Công ty CP Sông Đà làm chủ đầu tư và tòa nhà CT5 A-B, CT6 Văn Khê, Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, Cảnh sát PCCC đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, để xem xét truy tố theo quy định.
Chia sẻ về việc tuyên tuyền, hướng dẫn người dân về xử lý cháy nổ, Thượng úy Tạ Quang Đức, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC số 9), quận Hà Đông cho biết: “Thực tế, hiện nay nhiều người dân lo lắng về an toàn PCCC nhưng bản thân họ cũng chưa tự nâng cao ý thức, chưa tự nhận thấy trách nhiệm của mình đối với an toàn PCCC. Điều này thể hiện rõ nhất trong các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC do Cảnh sát PCCC tổ chức, bởi hầu hết họ đều vắng mặt”.
Trước những lo lắng của người dân do các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các chung cư cao tầng, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 - Hà Đông đã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý, khuyến cáo, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ, chấp hành thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn PCCC. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy xảy ra, đơn vị đã chủ động tập huấn, tuyên truyền cho hàng nghìn cư dân tại địa bàn. Chỉ tính trong tháng 3 và đầu tháng 4, đã có 12 lớp tuyên truyền cho 10 tòa chung cư cao tầng đã thu hút được 2.590 người dân tại địa bàn tham gia...
Yếu tố chính vẫn là ý thức, trách nhiệm
Đưa ra ví dụ về vấn đề ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC, Thượng ý Đức cho hay: Dù lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tập huấn, tuyên truyền thế nhưng thực tế vẫn có những người dân ý thức rất hạn chế. Vào đầu tháng 4 vừa qua, hẳn ai trong chúng ta khi xem những hình ảnh về hành vi đốt vàng mã của một cá nhân tại tập thể Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng thấy bức xúc. Người này đốt khiến ngọn lửa cháy lớn choán hết lối hành lang lên cầu thang. Rất may, hỏa hoạn đã không xảy ra.
Cùng thời điểm, tại hầm gửi xe tòa chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh đã có một người mang vàng mã, đồ lễ thắp hương ngay trên đầu xe ô tô. Ngay sau đó người này đã bị Cảnh sát PCCC xử phạt hành chính về hành vi trên.
Theo cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 9, người dân cần phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC.
Chiếu theo quy định, việc các chủ đầu tư không chấp hành an toàn PCCC thì cần thiết phải được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Thế nhưng, để an toàn cho chính bản thân người dân sinh sống tại chung cư cao tầng, cần phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm của chính bản thân người dân.
Chia sẻ về vấn đề trên, Trung tá Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 9 cho hay: Đơn vị luôn xác định phương châm “chữa cháy tại chỗ” và “nước xa không cứu được lửa gần” là quan trọng số 1. Trong suốt thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã chủ động tuyên truyền, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng thoát nạn, chữa cháy. Cùng với đó yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc khắc phục những tồn tại về PCCC tại tòa nhà chưa đủ điều kiện PCCC. Với những người dân ở đây, ngoài việc tự trang bị phương tiện chữa cháy trong gia đình, cần có kỹ năng nhuần nhuyễn để tự cứu mình khi có sự cố hỏa hoạn. 
Ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC của mỗi người dân được nâng cao sẽ là một trong những yếu tố quyết định, kiềm chế cháy nổ. Nếu ý thức của người dân còn kém thì vô hình trung là tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở bất câu đâu, bất cứ lúc nào. Tại các buổi tập huấn an toàn PCCC cho người dân, hầu hết chủ yếu thấy người già và trẻ em, không mấy khi tập hợp đầy đủ được các tầng lớp cư dân, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã thông báo và thường xuyên tổ chức vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ...
Cũng theo Trung tá Hùng, nếu như ý thức người dân chưa cao thì sinh sống ở bất cứ tòa nhà nào dù đầy đủ an toàn PCCC, cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy. Đôi khi chỉ cần sơ ý hút thuốc vứt vào hố xả rác, hoặc đốt vàng mã, thắp hương khi không chú ý hoặc khóa cửa đi chơi thì cũng có thể gây hỏa hoạn. Vì thế ý thức tự mình nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ an toàn PCCC phải thường trực. Và mỗi người phải biết sử dụng bình chữa cháy xách tay để khi phát hiện đám cháy nhỏ biết dập tắt, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn…