Yên tâm với lạm phát, tập trung cho tăng trưởng

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,53% so với tháng 4.

Đây là lần đầu tiên CPI tháng 5 giảm so với tháng trước kể từ năm 2008 trở lại đây.

Tác động từ giá thực phẩm

Tuy tháng 5 giảm và sau 5 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng bình quân 5 tháng năm nay tăng cao hơn cùng kỳ. Mặc dù vậy, áp lực về giá cả với người tiêu dùng (NTD) không lớn, bởi giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) tổng tiêu dùng của dân cư, cũng là nhóm hàng thiết yếu nhất và chiếm tỷ trọng còn lớn hơn đối với những NTD có thu nhập thấp - lại giảm. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5 giảm 1,43%, sau 5 tháng giảm 3,04%, bình quân 5 tháng chỉ tăng 0,01%.

Đặc biệt, giá thịt lợn hơi chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg, suy ra giá thịt lọc chỉ còn khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg - tương đương so với giá thịt lợn cách đây 10, 15 năm, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng (cũng là sự mất giá của đồng tiền) tháng 5/2017 so với tháng 12/2002 lên trên 3 lần! Một đất nước đi lên từ nông nghiệp, sau cây lúa là con lợn, không thể để cho thịt lợn xuống giá thảm hại như thế! Trong khi NTD vẫn phải mua tới 70.000 - 80.000 đồng/kg, gấp nhiều lần giá của người nông dân bán ra. Nói cách khác, cả người sản xuất lẫn NTD cùng bị thiệt.

Một điểm nhấn khác, CPI bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông tăng và tăng rất cao (bình quân 5 tháng so với cùng kỳ năm trước của dịch vụ y tế tăng 66,6%, của dịch vụ giáo dục tăng 11,6%, của giao thông tăng 9,7%). Việc thực hiện lộ trình giá thị trường là đúng hướng và cần thiết, nhưng cần rà soát về liều lượng, thời điểm và cân nhắc kỹ, vì diễn ra trong điều kiện tổng cầu còn thấp (thể hiện ở tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã loại giá và tốc độ tăng vốn đầu tư thấp hơn cùng kỳ năm trước, nó không có tác động kích cầu mà còn làm cho tổng cầu bị giảm).

Một điểm nhấn nữa, mới thoạt nhìn thì CPI bình quân 5 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước không hoàn toàn do yếu tố lạm phát tiền tệ. Bởi lạm phát cơ bản bình quân so với CPI bình quân 5 tháng so với cùng kỳ năm trước (1,56% so với 1,78%). Nhưng đó là lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục). Trong khi đó, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng kỳ này cao hơn cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, ngược chiều so với một vài năm trước, năm nay, tốc độ tăng dư nợ tiền gửi thấp hơn tốc độ tăng tín dụng (hay tốc độ tăng tiền từ ngoài lưu thông vào ngân hàng thấp hơn từ ngân hàng ra lưu thông).

Để tăng trưởng phải kích cầu

Từ diễn biến của 5 tháng đầu năm so với mục tiêu cả năm cả về CPI, cả về tăng trưởng kinh tế có một số vấn đề đáng quan tâm.

Mục tiêu tăng trưởng thì cao lên (6,7% so với 6,21%), nhưng thực tế quý I và 5 tháng lại chậm hơn (GDP quý I chỉ tăng 5,1% so với tăng 5,48%, chỉ số công nghiệp 5 tháng tăng 5,7% so với 7,4%). CPI bình quân theo mục tiêu cả năm 4%, nhưng bình quân 5 tháng tăng 4,47%.

Muốn tăng trưởng cao lên thì phải kích cầu, phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng nếu nới lỏng chính sách tiền tệ thì lạm phát lại cao lên; trong khi nợ xấu còn lớn; quan hệ buôn bán với nước ngoài lại chuyển từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước sang nhập siêu trong kỳ này (5 tháng cùng kỳ năm trước xuất siêu hơn 1,36 tỷ USD, nhưng kỳ này lại nhập siêu hơn 2,7 tỷ USD).

Những diễn biến này là sự cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách trong điều hành kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần