Yếu kém từ quản lý

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phần chất vấn trực tiếp trước Quốc hội ngày hôm qua (5/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được khá nhiều câu hỏi "khó" khiến cho nghị trường nóng ran.

Nóng cũng là bởi giao thông vận tải là lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông ở nhiều nơi vẫn còn bất cập, không ít dự án xuống cấp nghiêm trọng. Tại Hà Nội và nhiều khu vực khác như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du phía Bắc, nhu cầu về đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn nhưng ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.
Như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, hệ thống giao thông đồng bằng sông Cửu Long rất yếu kém cần phải tập trung đầu tư. Quốc lộ 62 qua Đồng Tháp Mười thì chật hẹp, tai nạn giao thông xảy ra liên tục khiến cho cử tri bức xúc và phản ánh từ nhiều nhiệm kỳ qua. Điều đáng nói, Quốc lộ 62 kết nối An Giang, Đồng Tháp và Campuchia, ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, do vướng vấn đề kinh phí nên hiện nay việc tu bổ, mở rộng mặt đường gặp rất nhiều khó khăn…
Cũng trong lĩnh vực giao thông, bất cập lớn là việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế, đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị lớn cũng còn rất chậm. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm lợi ích thỏa đáng giữa Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của Nhân dân.

Thế nhưng, qua chất vấn, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu. Không những thế còn mất cân đối trong đầu tư phát triển các loại hình giao thông; nhiều công trình chậm tiến độ, suất đầu tư cao. Đặc biệt, việc đầu tư các dự án giao thông BOT đường bộ thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội...

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan; có nội dung, nguyên nhân từ chính sách pháp luật chưa đồng bộ nhưng cũng có điểm xuất phát từ khâu điều hành, quản lý. Bởi vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải khắc phục những hạn chế, yếu kém. Trong đó, Bộ trưởng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục những yếu kém, bất cập của ngành giao thông.

Thực tế, các đại biểu đều cho rằng, nguồn lực trong dân còn nhiều, có thể huy động được "mỏ vàng" này, song vấn đề là phải công khai minh bạch việc sử dụng vốn tại các dự án giao thông, tăng cường thanh tra, kiểm toán… Đặc biệt, cần xác định những công trình giao thông có vai trò kết nối, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn để đầu tư, đồng thời phải tránh lặp lại những bài học kinh nghiệm, "vết xe đổ" thời gian qua.