Yêu quý Hà Nội sẽ có tác phẩm để đời

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/1, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Văn Quý đến dự và trao cờ thi đua đơn vị xuất sắc của UBND TP Hà Nội cho Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết: “Các tác phẩm, công trình tham gia năm nay đa dạng về chủng loại, phản ánh được nhiều vẻ đẹp về cuộc sống Thủ đô và các vùng miền khác của đất nước. Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao 25 giải thưởng văn học nghệ thuật 2018 cho những tác phẩm, công trình tiêu biểu, sáng tạo phản ánh bước tiến mới trong sáng tác của văn nghệ sỹ Hà Nội”.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND TP Hà Nội cho Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. 
25 tác phẩm được giải thưởng VHNT Thủ đô 2018 là thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng như các nghệ sỹ đang sống và làm việc tại Thủ đô trong 2 năm qua.
Chia sẻ với các nghệ sỹ trẻ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho hay: “Đã dấn thân vào nghiệp thì phải làm hết sức, có yêu quý, tâm huyết thì mới ra được những tác phẩm để đời; có tác phẩm từ nội dung, hình thức, tư tưởng, chủ đề đạt đỉnh cao”.
Trong số 25 tác phẩm, lĩnh vực văn học có 2 giải gồm: Bộ tiểu thuyết “Vỡ vụn và cuộc sống vuông tròn” của nhà văn Nguyễn Văn Sơn và sách “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” của nhà văn Lê Văn Ba.
Âm nhạc (3 giải): Ca khúc “Sơn Đoòng Phong Nha” của nhạc sỹ Văn Tiến, “Sắc màu biên giới” của nhạc sỹ Huyền Ngọc; sách lý luận phê bình “Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu.
Nhiếp ảnh (3 giải): Tác phẩm “Ban Mai Hồ Gươm” của Viết Anh Mạnh, “Đêm hội trăng rằm” của Trần Anh Tuấn, sách ảnh “Chuyện kể Hồ Gươm” của Hà Hồng.
Sân khấu (3 giải): Tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nhà hát kịch Hà Nội, “Những tấm lòng vàng” của Nhà hát Cải lương Hà Nội, “Nghĩ và viết” của Ngọc Thụ và “Huyền nữ của Phạm Thị Thành” của Trần Thị Minh Thu.
Mỹ thuật (2 giải): “Hương xưa” của Đỗ Hoàng Anh và “Đêm dưới cầu Long Biên” của Nguyễn Văn Tuấn.
Văn nghệ dân gian (3 giải) Tác phẩm “Kể chuyền đường, ngõ, phố Hà Nội” của Lê Đình Mai, “Các danh tướng trấn giữ Thành Hà Nội” của Nguyễn Sinh Thủy, “Làng cũ nhớ về” của Vũ Kiêm Ninh.
Điện ảnh (3 giải): Tác phẩm “Những người mẹ đặc biệt” của Phạm Hằng Giang, “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Người cộng sản kiên trung, bất khuất” của Trịnh Quang Tùng, “Khúc nhạc kỳ diệu” của NSND Nguyễn Hà Bắc.
Múa (3 giải): Tác phẩm “Một thời để nhớ" của Nguyễn Quỳnh Lan, “Cỏ gà, cỏ may” của Nguyễn Khiêm và Mai Như Quỳnh, “Lung linh phố cổ” của Trần Văn Quý và Nguyễn Tố Linh
Kiến trúc (3 giải): Tác phẩm: “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh tại khu đô thị mới Kiến Hưng, Hà Đông” của KTS Trần Vũ Lâm; “Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 tại các xã Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh…” của KTS Thái Nhật Quang và các cộng sự; “Khu nhà ở cao tầng E4 tại lô E4, khu ĐTM Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội” của KTS Hoàng Minh Hải, KTS Lê Quốc Nghĩa cùng các cộng sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần