YouTube đối mặt làn sóng tẩy chay do không kiểm soát được bình luận

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều công ty đã ngưng quảng cáo trên YouTube do website chia sẻ video này không chặn được bình luận không phù hợp với những video liên quan đến trẻ em.

Các công ty lớn bao gồm Mars, Lidl, Deutsche Bank và Adidas... đã rút quảng cáo khỏi YouTube và công ty mẹ Google sau khi tờ Times (Anh) phát hiện các nội dung không phù hợp liên quan đến trẻ em chèn trong quảng cáo của các hãng này. HP, Sky và Diageo cũng tuyên bố ngừng quảng cáo.
 
Động thái này được cho xuất phát từ bài viết trên BBC và tờ Times, dẫn chứng về việc nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp. Cáo buộc từ BBC và Times cho biết, dưới nhiều video liên quan đến trẻ em trên YouTube, có nhiều bình luận thô tục và khiêu dâm, mặc dù nội dung các video này hoàn toàn hợp pháp. 
"Những hình ảnh các bé gái mặc đồ tắm thường rất được bọn ấu dâm ưa chuộng vì không bị cấm và có thể lan truyền dễ dàng", Einar Otto Stangvik - chuyên gia an ninh mạng Na Uy, chia sẻ.
Những thông tin này đã gây phẫn nộ cho nhiều công ty lớn. Người Phát ngôn của hãng kẹo Anh Cadbury cho biết: “Trong khi chúng tôi điều tra vấn đề này, Cadbury đã ngừng toàn bộ quảng cáo trên kênh này cho đến khi chúng tôi có lời giải thích rõ ràng từ YouTube về tình trạng đang xảy ra và mong muốn có giải pháp phù hợp”.
“Điều này không thể chấp nhận được và rõ ràng là, chính sách nghiêm ngặt mà Google đã cam kết nhằm chống lại các nội dung sai lệch là hoàn toàn vô hiệu. Chúng tôi đã ngừng toàn bộ quảng báo trên YouTube ngay lập tức”, đại diện Lidl - “ông lớn” ngành siêu thị của Đức cho biết.
YouTube hiện nay dựa trên một số tình nguyện viên để xóa các bình luận mang tính quấy rối tình dục hoặc có các nội dung phạm pháp. Tuy nhiên, biện pháp này dường như không hiệu quả. Đội ngũ tình nguyện viên hoạt động trên YouTube chỉ gồm 26 người, trong đó có 3 người đảm trách việc phát hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Ngoài ra, còn có một nhóm làm việc miễn phí chuyên gắn nhãn cho các nội dung không phù hợp trên YouTube. Những người này không trực tiếp sử dụng YouTube nhưng có quyền truy cập để đánh giá các bình luận hoặc video lên các nhóm của YouTube. Kể từ tháng 8 đến nay, những người gắn nhãn đã đánh dấu 12.000 tài khoản có bình luận khiêu dâm nhưng ước tính khoảng 50.000 tài khoản “đen” trên YouTube vẫn còn tồn tại.
Theo những người gắn nhãn này, YouTube hỗ trợ rất ít. Một người chuyên làm nhiệm vụ gắn nhãn cho rằng, YouTube nên là những người tích cực chuyển thông tin này cơ quan có thẩm quyền như Trung tâm quốc gia về trẻ mất tích và bị bóc lột hay các cơ quan thực thi pháp luật khác để triệt tiêu các hoạt động bất hợp pháp này.
Quảng cáo trực tuyến là mảnh đất màu mỡ đem lại doanh thu trên 229 tỷ USD vào năm 2017 cho YouTube, vượt xa mức 195 tỷ USD của năm 2016. Vì vậy, đây sẽ là một đòn giáng rất nặng với YouTube nói riêng và Google nói chung. Trước đó, hồi đầu năm nay, Chính phủ Anh cũng dừng hợp tác với YouTube sau khi một số quảng cáo lĩnh vực công xuất hiện trong các video cực đoan. Anh là thị trường lớn nhất của Google (sau Mỹ) nhờ đem về doanh thu 7,8 tỷ USD, chủ yếu từ quảng cáo trong năm 2016, tương đương 9% doanh thu toàn cầu của Google.