Youtube và câu chuyện quản lý

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, việc người dân sở hữu một chiếc smartphone đã trở nên đơn giản rất nhiều. Nhu cầu giải trí và cập nhật thông tin cũng có sự thay đổi đáng kể.

Theo đó, người xem đã chuyển dần từ các kênh truyền thống như TV, báo giấy sang các kênh kỹ thuật số như nền tảng video trực tuyến, mạng xã hội, báo mạng… Các DN ngày càng dành nhiều ngân sách cho quảng cáo trực tuyến. Trong đó, ngoài Facebook thì Youtube, nền tảng video lớn nhất, là một điểm đến rất hấp dẫn.

Bất cứ cá nhân nào chủ sở hữu kênh Youtube có hơn 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất và có hơn 1.000 người đăng ký theo dõi thì được Youtube bật chức năng trả tiền qua quảng cáo. Các nhãn hàng, người quảng cáo sẽ trả tiền và cung cấp nội dung quảng cáo cho Youtube, sau đó nền tảng này phân phối tự động các nội dung quảng cáo cho các kênh thuộc hệ thống của mình. Vì Youtube không sở hữu nội dung nên nền tảng này sẽ chia 55% doanh thu quảng cáo cho người lập kênh.

Hiện nay, trung bình mỗi phút có tới 400 giờ thời lượng nội dung được tải lên Youtube, 1 tỷ giờ nội dung được xem trong một ngày, nhiều hơn cả Netflix và Facebook Video gộp lại.

Người Việt Nam hiện xem Youtube nhiều thứ 3 trên thế giới. Với giá Youtube trả cho lượt xem từ Việt Nam là khoảng 0,3 USD/1.000 lượt xem đã khiến cho tình trạng “người người làm clip, nhà nhà làm clip” phát triển rầm rộ. Nhưng muốn kiếm được tiền của Youtube, nội dung phải độc đáo, khác lạ và có tính lan tỏa. Các kênh muốn thành công cần phải có nội dung của riêng mình. Tiếp đến là phát hành nội dung với tần suất cao giúp kênh không bị người xem lãng quên.

Các kênh Youtube nổi tiếng, thậm chí nhiều Youtuber trên thế giới còn thành lập công ty riêng, thuê ê kíp viết kịch bản, đạo diễn và studio riêng để có thể tạo ra đủ số lượng nội dung cho người xem của mình. Cuối cùng là phải có chế độ tương tác cao với người xem qua nhiều kênh khác nhau. Người xem ngày nay cần được lắng nghe, đưa ra nhận xét và tương tác trực tiếp với người tạo nội dung.

Thậm chí, Youtuber không chỉ làm video trên Youtube mà còn thường xuyên livestream trên Facebook và trả lời câu hỏi từ người xem. Đây là tương tác đa kênh với khách hàng, xu hướng mới trong ngành truyền thông và thương mại điện tử.

Sự phát triển của Youtube, Facebook là xu thế chung của thế giới mà chúng ta không thể đứng ngoài. Sau vụ các “đại ca giang hồ” Khá “Bảnh” (kênh Khá “Bảnh” thu hút 61 triệu lượt xem), Dương Minh Tuyền, Phúc XO… đã đăng tải nội dung “viral” (có tính lan truyền) trên mạng xã hội như “điệu múa quạt”, đeo vàng giả trĩu cổ hay đỉnh điểm là video quay cảnh đốt xe máy vừa qua đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Các gia đình không còn cách nào khác là nhắc nhở, kiểm tra con cái, cấm xem các kênh Youtube có nội dung không phù hợp. Nhưng đây chỉ là biện pháp bị động, tác dụng không phải lúc nào cũng như mong muốn.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc hơn với những nội dung không phù hợp được đăng tải lên Facebook/Youtube. Hè về, đừng để các Youtuber tự do tung các nội dung độc hại câu view kiếm tiền và làm hỏng bao học sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần