Youtuber Thơ Nguyễn phải là việc với Sở TT&TT Bình Dương ngày 15/3

DUY CHÍ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/3, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương xác nhận đã gửi tiếp thư mời có hẹn ngày giờ làm việc với Youtuber Thơ Nguyễn liên quan đến việc đưa clip có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoạn gây hoang mang dự luận.

Trước đó Cục Phát thanh và Truyền hình – Bộ TT&TT đã giao Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Dương liên hệ, làm việc với nhóm trên theo quy định của pháp luật. Đồng thời còn yêu cầu “nếu không hợp tác sẽ có biện pháp xử lý phù hợp”.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cũng xác nhận “chiều 11/3 theo lịch hẹn trong thư mời lần I, bà Nguyễn Thị Hồng Thơ đã không đến làm việc với lý do tâm lý bị áp lực. Thư mời bà Thơ lần này làm việc vào sáng thứ hai (ngày 15 tháng 3), có thời gian cho đương sự ổn định sức khỏe, tâm lý”.
 Đoạn Clip có nội dung mê tín dị đoan được chia sẻ trên Youtbe
Được biết kênh Youtuber Thơ Nguyễn (Bà Nguyễn Thị Hồng Thơ, sinh năm 1992 ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) hiện tại có gần 9 triệu lượt người theo dõi với 1.202 video được đăng tải. Kênh này hiện đứng thứ 7 tại Việt Nam về số lượng người xem nhờ các nội dung liên quan đến giới phụ huynh và học sinh như hướng dẫn làm đồ chơi thủ công (handmade), hướng dẫn nấu ăn đơn giản...
Nhiều video của kênh này từng bị phản đối vì có liên quan đến nhiều trò chơi nguy hiểm, khiến trẻ em dễ bắt chước, tò mò làm theo như: Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ, bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung; nấu bia, nước ngọt...
Ngày 10/3 vừa qua cộng đồng mạng rất bức xúc về một video phát trên của kênh Youtuber Thơ Nguyễn có tên “Xin vía học giỏi” (được chia sẻ trên nền tảng TikTok từ ngày 27/2). Trong video Thơ Nguyễn tay ôm búp bê giống Kumathong và cầm sợi dây chuyền hứa cầu học giỏi cho các em nhỏ. Trong video, nữ Youtuber gọi tên búp bê là “cư ma mập” và xưng hô mẹ con thân mật: “Ngày mai là các anh chị đi học rồi đấy, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi”.
Nhiều câu thoại trong video còn nói về sở thích uống nước ngọt Coca cola của búp bê nhưng không cần phải dùng ống hút như bạn Kumanthong khác. Trong video, nữ Youtuber “đánh” vào tâm lý, khiến trẻ con làm những chuyện không tốt cho sức khỏe như: “Đó các em thấy chưa, mập tham chưa, uống như vậy là các em học giỏi lắm đó, uống quá trời luôn”. 
Được biết búp bê Kumanthong có nguồn gốc từ Thái Lan và được xem như trò chơi bùa ngải của những người mê tín dị đoan, yếu bóng vía. Theo con đường du lịch trò chơi này lén lút xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây.