Zippo giúp giới trẻ hiểu để phòng, tránh ma túy

Nguyễn Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Zippo được biết đến là địa chỉ cho những người có tuổi đời từ 16 - 24 đã và đang sử dụng ma túy tổng hợp tại Hà Nội đến gặp gỡ, trao đổi những tác hại của ma túy để phòng tránh và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Zippo chính thức hoạt động từ tháng 8/2017 và là một phần của dự án “Bảo vệ tương lai” thuộc SCDI (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam). Đến nay, qua nhiều cách thức, kênh khác nhau, Zippo đã tiếp cận, thu hút được gần 200 thành viên có tuổi đời từ 16 - 24 sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Nhóm là một thành viên của Liên minh CLB Về nhà - nhóm tự lực vì cộng đồng, nơi sinh hoạt của hơn 3.000 thành viên do chị Phạm Thị Minh- người từng nghiện ma túy, cai nghiện thành công đã hơn 20 năm giữ cương vị Chủ nhiệm.

Một buổi sinh hoạt của nhóm Zippo.  Ảnh: Nguyễn Xuân

Chị Phạm Thị Minh cho biết, những người sử dụng ma túy trẻ thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội nhưng đa phần có cuộc sống không hạnh phúc, không được ở cùng bố mẹ… Xu hướng chung là các em, đến với ma túy như một cách muốn khẳng định bản thân, muốn thử cảm giác… rồi dần dần sử dụng thường xuyên và coi đó như một phần không thể thiếu. Mục tiêu của Zippo giúp nhóm sử dụng ma túy trẻ hiểu về các chất ma túy, có kỹ năng, kiến thức bảo vệ sức khỏe, giảm hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, xã hội.

Phương thức chủ yếu của nhóm là kết nối với nhau qua mạng internet. Ngoài ra, thành viên Zippo duy trì lịch sinh hoạt đều đặn vào tối Chủ nhật hàng tuần. Đến với buổi sinh hoạt này, tất cả sẽ được sống, chuyện trò, vui cười trong môi trường thoải mái, tự nhiên; được cung cấp kiến thức về những tác hại của ma túy; cách thức giảm tác hại của ma túy. Họ cùng trao đổi về cuộc sống, về tương lai và những ước mơ của chính mình… Vì có sự đồng cảm nên mới đầu đến sinh hoạt, những thành viên rất rụt rè, ít nói nhưng giờ đã hòa đồng và cởi mở với nhau hơn.

Nhiều thành viên của nhóm còn rất trẻ, do ít nhận được sự quan tâm, chỉ dạy của gia đình nên đều lạ lẫm khi nhắc đến một số bệnh lây nhiễm, trong đó có HIV, viêm gan C… và mặt khác nguy cơ lây nhiễm đối với nhóm này khá cao. Vì vậy, chị Minh cùng cộng sự đã xây dựng kế hoạch dài hơi để phát triển nhân lực cũng như phương hướng hoạt động cho Zippo. Với 6 tiếp cận viên làm nòng cốt, những nội dung tuyên truyền cơ bản được nhóm cùng xây dựng vừa cụ thể, vừa sinh động với chủ đề chính như: Tác hại của ma túy, biện pháp giảm tác hại của ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV, viêm gan C; kiến thức về sức khỏe tình dục… để họ có kiến thức về bệnh và cách phòng bệnh cho mình.

Khi đến sinh hoạt nhóm, thành viên được tiếp cận, cập nhật những kiến thức thiết thực với cuộc sống của mình. Thêm nữa, họ được thụ hưởng nhiều quyền lợi khác như xét nghiệm like-test để phát hiện HIV; với người dương tính HIV, nhóm sẽ chuyển gửi đến Trung tâm điều trị ARV các quận, huyện… Thời gian tới, nhóm tiếp tục mở rộng việc tiếp cận, thu hút đông đảo thành viên hơn nữa để cập nhật những kiến thức hữu ích, giúp người sử dụng ma túy trẻ có niềm tin, hy vọng để thay đổi bản thân; hướng tới cuộc sống tích cực mà cụ thể là từ bỏ ma túy.