Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn là thách thức lớn ở nước ta, đặc biệt ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thời gian vừa qua, tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần ăn của người dân Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, các vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em vẫn chưa được như mong muốn.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ vẫn còn cao, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Viện Dinh dưỡng tổ chức Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16-23/10 với thông điệp “Tăng cường sản xuất và sử dụng nguồn lương thực-thực phẩm tại địa phương góp phần đảm bảo an ninh Dinh dưỡng cho mọi gia đình.’’  

Mặc dù sữa mẹ là công thức dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ 6 tháng đầu đời của trẻ, nhưng hiện nay ở Việt Nam chỉ có 19,6% phụ nữ cho con bú hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của thế giới – 35% các bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.  Không cho con bú sớm, không cho con bú hoàn toàn và không tiếp tục cho con bú lâu dài cũng như thiếu chế độ ăn bổ sung phù hợp đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của trẻ.

Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, ước tính đến năm 2010, Việt Nam còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và khoảng 520.000 trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.

Trong đó, có 1/3 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi và cứ trong 5 trẻ lại có 1 trẻ bị thiếu cân.

Trong năm 2012, chiến dịch truyền thông  tập trung vào những thông điệp chính sau đây: Cho trẻ bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh; Cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không uống nước, không ăn sữa bột, không ăn thêm bất cứ loại thức ăn nào; Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết ra nhiều sữa; Sau 6 tháng, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý với đa dạng thực phẩm và tiếp tục cho trẻ bú mẹ.

Vì vậy, nhiều vấn đề cần phải được cải thiện thông qua việc triển khai đồng bộ những chương trình, giải pháp can thiệp như thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, Vitamin A…