Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1.396 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào sáng nay, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm sẽ báo cáo trước Quốc hội về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước.

1.396 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội - Ảnh 1

Cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu ý kiến tại một cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Ảnh: Thanh Hải.

Trong đó, cử tri gửi gắm tới Quốc hội nhiều vấn đề tập trung quanh việc quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng.

Tiếp tục khẳng địnhđất đai là sở hữu toàn dân

Theo tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, có 1.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng trước thực trạng nền kinh tế chưa bền vững, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống liên tục tăng; nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp…

Cũng như những kỳ họp trước, lĩnh vực đất đai là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Các cử tri nhận định, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, bất cập, có biểu hiện của "nhóm lợi ích" cấu kết, trục lợi diễn ra nhiều nơi. Nhiều dự án "treo", gây lãng phí đất đai, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo trong việc rà soát và có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, hiệu quả các dự án "treo", đặc biệt là giữ đất canh tác lúa. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân; có những quy định cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Việc thu hồi đất cần phải đảm bảo về lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. 

Xử lý nghiêm việc tham nhũng

Vấn đề xây dựng Đảng và Nhà nước cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri. Trong đó, cử tri hoan nghênh Bộ Chính trị nghiêm túc tự phê bình, nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Và đặt nhiều kỳ vọng vào người đứng đầu các cơ quan Nhà nước sáng suốt, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi, tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái; xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất…

Cử tri cũng phản ánh, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, qua kiểm toán, thanh tra, thông báo nhiều vụ việc, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm và chưa thông báo công khai kết quả xử lý. Cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng… Cùng với đó, cử tri cho rằng, trong khi Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương lại tiêu xài rất lãng phí, chi phí nhiều tiền của cho các lễ hội linh đình; có nơi xây dựng trụ sở rất lớn, tốn kém ngân sách mà không sử dụng hết công năng, mua sắm xe cộ, trang thiết bị đắt tiền... Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng cần có các quy định có tính khả thi để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục phản ánh những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật mà cử tri đã nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội khóa XII, XIII, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.