Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào triển khai được 1 năm. Tính đến hết 30/6/2018, hệ thống tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).Theo thống kê ban đầu khi ban hành NQ42 bao gồm nợ xấu nội, ngoại bảng, nợ bán VAMC, lúc đó có khoảng 565 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, con số 138,29 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số nợ xấu.Đại diện NHNN cũng nhận định, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong hơn 1 năm qua. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6/2018 là 2,09%, giảm so với con số 2,46% tại cuối năm 2016.Cùng với đó, năng lực tài chính của các TCTD cũng được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Đến hết tháng 6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ dồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn của TCTD về thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD. Mặt khác, điều kiện tài sản bảo đảm được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.
Bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại một số nơi, cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) cho nên còn vướng mắc trong công tác phối hợp, xử lý.