KTĐT - Với thực trạng phát triển hiện nay của ngành ngân hàng Việt Nam, mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng mà tất cả các ngân hàng cần phải đáp ứng vào cuối năm 2010 là phù hợp, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang nỗ lực cán đích 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2010 quy định.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, với mức vốn điều lệ sẽ tăng vốn 5.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Charterd Vietnam, cho rằng nếu quy định này đi vào thực tế, khoảng một nửa các ngân hàng không thuộc sở hữu nhà nước có thể sẽ không còn tồn tại trong vòng 5 năm tới.
Với diễn biến hiện nay, theo ông, đâu là những thách thức cho quá trình tăng vốn của các ngân hàng thương mại?
Tôi cho rằng mức vốn quy định 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 là phù hợp, bởi nó bảo đảm các ngân hàng sẽ có lượng vốn cần thiết để hoạt động. Bên cạnh đó, yêu cầu này cũng đã được đưa ra cách đây ba năm để các ngân hàng có thời gian đáp ứng.
Hầu hết các ngân hàng đã tìm cách tăng vốn thông qua việc bán cổ phần chiến lược cho các ngân hàng nước ngoài hoặc thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trong những vừa năm qua, có khá nhiều ngân hàng nhỏ đã gặp khó khăn trong việc tăng vốn để đáp ứng yêu cầu này và họ không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc sáp nhập với các ngân hàng lớn hơn - những ngân hàng chắc chắn cũng sẽ có nhiều khó khăn. Tóm lại, việc tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2010 sẽ là thách thức đối với một số ngân hàng thương mại.
Trong khi không ít ngân hàng thương mại đang “gồng mình” để hoàn thành mức 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ theo quy định, thì Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, với mức vốn điều lệ sẽ tăng vốn 5.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2015. Quan điểm của ông với dự thảo này như thế nào?
Trên thực tế, các nhà chính sách điều hành hoạt động của ngân hàng tại bất cứ quốc gia nào đều xem xét ba yếu tố sau.
Thứ nhất, là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), nhằm đảm bảo rủi ro tài sản của ngân hàng phải được cân đối bằng nguồn vốn tự có. Cách thức đánh giá tỷ lệ này được định nghĩa rõ ràng thông qua Hiệp ước Basel - phương pháp ước định mức lượng rủi ro mà ngân hàng phải chịu và quy định mức vốn ngân hàng phải có để có thể kiểm soát được rủi ro.
Thứ hai, là đảm bảo rằng phải có yêu cầu về mức vốn tối thiểu cho các ngân hàng, giúp mỗi ngân hàng có đủ “lượng vốn cần thiết” để có thể hoạt động hiệu quả. Điều này nhằm đảm bảo trên thị trường sẽ không có quá nhiều các ngân hàng rất nhỏ hoạt động không hiệu quả vì quy mô vốn của họ.
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là cần đảm bảo nguồn vốn của ngân hàng được phân bổ một cách hiệu quả, tức là các ngân hàng không nên có lượng vốn “dư thừa” nếu không sẽ làm mất đi sự hấp dẫn của họ.
Căn cứ vào 3 yếu tố trên, các nhà chính sách ở mỗi quốc gia đã quy định một mức vốn tối thiểu và mức vốn đó phải đảm bảo sự cân bằng giữa: việc không có quá nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động không hiệu quả và mặt khác là các ngân hàng không có quá nhiều vốn “dư thừa” không được phân bổ một cách hiệu quả. Điều quan trọng là việc loại trừ các ngân hàng nhỏ - điều mà chắc chắn sẽ xảy ra khi yêu cầu về vốn tối thiểu tăng cao - sẽ không tạo nên sự mất cân đối của ngành ngân hàng.
Với thực trạng của các ngân hàng thương mại hiện nay, quy định trên có thực sự cần thiết, thưa ông?
Theo tôi, với thực trạng phát triển hiện nay của ngành ngân hàng Việt Nam, mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng mà tất cả các ngân hàng cần phải đáp ứng vào cuối năm 2010 là phù hợp, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Nếu dự thảo quy định tăng lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015, tôi e rằng hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam có thể sẽ mất cân đối. Nếu yêu cầu mức vốn tối thiểu là 10.000 tỷ đồng được áp dụng vào năm 2015, có thể chỉ có khoảng 20 trong số hơn 40 ngân hàng không thuộc sở hữu nhà nước có thể đáp ứng được yêu cầu này. Điều này có nghĩa là khoảng một nửa các ngân hàng không thuộc sở hữu nhà nước có thể sẽ không còn tồn tại trong vòng 5 năm tới!
Đây là điều này quá khắt khe và nóng vội cho việc sáp nhập hoạt động trong ngành ngân hàng. Vì vậy, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên kéo dài thời gian tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2015, và sau đó kiểm soát tình hình hoạt động và quy mô các ngân hàng thông qua tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hơn là mức vốn tối thiểu.