Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 cách "chơi" vàng phổ biến trên thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mua bán vàng là cách làm dễ dàng nhất với các nhà đầu tư cá nhân, kể cả mua dưới dạng vật chất hay trên tài khoản.

KTĐT - Mua bán vàng là cách làm dễ dàng nhất với các nhà đầu tư cá nhân, kể cả mua dưới dạng vật chất hay trên tài khoản.

Dưới đây là 10 cách "chơi" vàng được nhiều người lựa chọn, theo tổng hợp của The Telegraph.

1. Vàng thỏi

Vàng bán theo thỏi có kích thước lớn, thậm chí tính bằng mét và giá được tính trực tiếp trên giá vàng của ngày hôm đó, cộng với phí bảo hiểm cho sản xuất và kinh doanh. Các thanh vàng càng nhỏ thì giá bảo hiểm càng cao.

2. Đồng xu vàng của Anh (Sovereigns)

Một trong những cách sở hữu vàng phổ biến nhất trên thế giới là mua những đồng tiền vàng và đồng xu trị giá 22 carat vàng mang tên sovereign được coi là sự lựa chọn yêu thích của những nhà đầu tư người Anh. Đồng sovereign cổ có niên đại từ 1887 đến tận 1982 hiện là mục tiêu được săn đón nhất.

3. Đồng xu vàng của Nam Phi (Krugerrands)

Được đúc lần đầu tiên năm 1967 tại thị trường Nam Phi, đồng Krugerrands cực kì phổ biến trên thị trường tiền vàng những năm 1980 (chiếm 90% thị trường). Nguyên nhân là các đồng Krugerrands được đúc với nhiều mệnh giá khác nhau, rất thuận tiện cho nhà đầu tư như một ounce, nửa oz, một phần tư ounce hoặc thậm chí một phần mười ounce vàng.

4. Mua vàng qua các quỹ tín thác (ETF)

ETF (Exchange-traded Fund) là hình thức quỹ đầu tư tập thể mà cổ phiếu được mua bán trên hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới, ETF quốc tế hoạt động trên cả vàng, bạch kim, bạc và paladi. Các ETF đều tuân theo một hệ thống bảo mật duy nhất, được giao dịch trên sàn chứng khoán London và về cơ bản là theo dõi giá của các kim loại. Đầu tư qua ETF, bạn phải trả một khoản phí nho nhỏ (hiện vào khoảng 0,4 xu Anh, tương đương khoảng 134.000 đồng).

Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới hiện nay là SPDR Gold Trust ở New York. Khối lượng vàng trong SPDR Gold tương đương với hơn một nửa sản lượng khai khoáng vàng toàn cầu hàng năm và có giá trị vào khoảng 56.460 tỷ USD.

Ngoài SPDR Gold, còn có các ETF vàng lớn khác như iShares COMEX Gold Trust, ETF Securities' Gold Bullion Securities, ETFS Physical Gold, và Zurich Cantonal Bank's Physical Gold.

5. Đơn vị ủy thác và ủy thác đầu tư

Ở cách thức đầu tư này, quỹ nổi tiếng nhất chính là BlackRock Gold & General (Anh). Quỹ này đầu tư vào cổ phiếu của các công ty khai thác vàng cũng như các doanh nghiệp hàng hóa khác. Ngoài ra, các cố vấn kinh doanh cũng khuyên các nhà đầu tư tham gia các quỹ hàng hóa nói chung như Quỹ Tài nguyên JPM (Anh). Các quỹ này có thể thay mặt cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cổ phiếu liên quan tới vàng. Các cổ phần của các công ty khai thác vàng có xu hướng biến động mạnh hơn so với giá vàng.

6. Vàng tài khoản

Các ngân hàng vàng trên thế giới cung cấp hai loại tài khoản lưu trữ vàng: tài khoản phân bổ và chưa phân bổ (allocated và unallocated). Một tài khoản phân bổ có tác dụng giống như việc giữ vàng trong két an toàn và là hình thức an toàn nhất cho giới đầu tư vàng dạng vật chất (thỏi, miếng…). Vàng được lưu trữ trong kho và được quản lý bởi một đại lý vàng có uy tín (dealer) hoặc người lưu kí (depository).

Ngược lại, những tài khoản chưa phân bổ là dành cho những nhà đầu tư không có vàng vật chất. Thông thường, một trong những lợi thế của các tài khoản chưa phân bổ là việc các nhà đầu tư sẽ không mất phí lưu trữ, bảo hiểm bởi các ngân hàng dự trữ có quyền đưa vàng ra từ nguồn dự trữ.

7. Chứng khoán vàng

Bạn có thể mua cổ phiếu cá nhân của các công ty vừa giao dịch vừa khai thác vàng.

8. Trang sức

Trong khi hàng nghìn món trang sức bằng vàng được trao tay mỗi năm, vàng trang sức vẫn chưa được coi là một kênh đầu tư chính thức. Theo một số nhà đầu tư nhận định khi mua vàng trang sức, khách hàng sẽ mua cao hơn so với mua vàng miếng cùng thời điểm do chi phí sản xuất và gia công trang sức.

Trên thế giới, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng trang sức lớn nhất thế giới. Hằng năm, nước này nhập khẩu tới 800 tấn vàng, khoảng 30% sản lượng vàng hàng năm của thế giới và chủ yếu là vàng trang sức.

9. Chứng chỉ vàng

Trong lịch sử, chứng chỉ vàng được Bộ Tài chính Mỹ phát hành từ cuộc nội chiến Nam – Bắc cho đến năm 1933. Được tính bằng đôla, các chứng chỉ này được sử dụng như một phần của tiêu chuẩn vàng và có thể trao đổi với giá trị tương đương vàng.

Hiện nay, các nhà đầu tư sử dụng chứng chỉ vàng để trao đổi trên thị trường mà không cần nhận vàng vật chất. Các chứng chỉ này thường được phát hành bởi các ngân hàng tư nhân, đặc biệt ở Đức và Thụy Sĩ. Các ngân hàng này xác nhận quyền sở hữu của một cá nhân trong khi vẫn giữ vàng đại diện cho khách hàng.

Ưu điểm của hình thức này là các nhà đầu tư tránh được các vấn đề về lưu trữ, bảo hiểm cá nhân, tăng thanh khoản bằng lệnh bán chỉ trong giao dịch chỉ bằng một cú điện thoại cho người lưu ký.

Perth Mind cũng chạy một chương trình áp dụng chứng chỉ vàng và được bảo lãnh bởi chính quyền bang Tây Úc. Chứng chỉ vàng của công ty này được phân phối ở một số quốc gia như Mỹ, Thụy Sỹ, Canada…

10. Sản phẩm phức hợp

Đây là một cách thức đầu tư vàng mới được đưa ra trên thế giới. Với cách đầu tư này, bạn có một rổ hàng hóa có quan hệ với nhau để lựa chọn như đường, dầu, bạch kim hoặc vàng. Với cách thức này, các nhà đầu tư nên có một chiến lược cụ thể và có sự cố vấn chuyên môn sâu.

Một mối quan hệ phổ biến nhất hiện nay là giữa vàng và dầu. Giá vàng và giá dầu thô từ lâu đã có mối quan hệ tỷ lệ thuận, vì vàng có thể được sử dụng như một công cụ chống lạm phát do giá dầu tăng gây ra. Mặt khác, giá dầu tăng cũng có thể làm gia tăng sức hấp dẫn của các loại hàng hóa cơ bản nói chung, bao gồm vàng.