Ai cũng biết họ góp phần làm nâng chất BĐVN. Nhưng mặt khác, ngoại binh nếu được cổ súy quá đà sẽ trở thành một cản trở cho sự phát triển. Nói cách khác, ngoại binh trên sân cỏ cũng giống như con dao hai lưỡi, dùng khéo thì có lợi mà không khéo lại trở thành hại.
Thế nên khi BĐVN có nguy cơ phải chứng kiến một cuộc xâm lấn của cầu thủ ngoại, việc các nhà lãnh đạo buộc phải tìm giải pháp dung hòa là điều tất yếu. Tương lai bóng đá nước nhà sẽ ra sao nếu ngay từ bây giờ, chúng ta biết mà vẫn cố tình làm ngơ trước những nguy cơ hiển hiện.
Một ví dụ điển hình: mùa giải trước, HAGL tung ra sân tới 5 cầu thủ ngoại (2 nhập tịch). V-League 2010, nếu suôn sẻ, HAGL thậm chí có thể dùng tới 8 ngoại binh (5 nhập tịch). Thử hỏi với 3 suất nội còn lại, HAGL sẽ đóng góp được gì vào sự phát triển của BĐVN? Và những “sản phẩm” của Học viện HAGL sẽ tìm đâu ra chỗ đứng ngay ở đội bóng đào tạo ra mình khi phía trước họ toàn là những ông Tây có lợi thế hơn hẳn về thể hình, thể lực? Vô hình trung, đào tạo trẻ mất dần ý nghĩa khi đầu vào có thể rất hào hứng nhưng nhìn tới đầu ra thì èo uột, không lối thoát.
Một ví dụ khác: SLNA cũng đang nhăm nhe nhập tịch cho một số ngoại binh. Không thể trách SLNA được bởi vì sự tồn tại ở V-League, họ không thể đứng ngoài cuộc đua. Nhưng thử hỏi, nếu một lò đào tạo như SLNA cũng phải đi theo hướng đó, tương lai của BĐVN sẽ đi đâu về đâu? Nếu lần lượt các trung tâm bóng đá trẻ tốt nhất nước cũng buộc phải làm như SLNA để duy trì sự tồn tại, trong tương lai, U23 VN sẽ lấy quân ở đâu để chơi SEA Games, ĐTVN sẽ dùng lực lượng nào để đá AFF Cup?
Hạn chế, hay nói đúng hơn là kiểm soát ngoại binh nhập tịch vì thế chính nhằm phục vụ cho tương lai của BĐVN, mà cụ thể là vì tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ. Hãy nhớ rằng 10 năm trước, chúng ta từng phải đau lòng vì câu nói “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” thì 10 năm sau, xin đừng để điều ấy lặp lại. Làm được gì cho tương lai thì tốt hơn hết, nên làm ngay từ bây giờ, chứ đừng chờ tới 10 năm sau nữa.