Theo ông Dương Thành Hưng, để được chủ DN tin tưởng giao việc cho sinh viên, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã thiết kế chương trình nghề Hàn với thời lượng 70% thực hành, 30% lý thuyết. Theo đó, từ năm học thứ nhất, sinh viên được thực hành ngay tại xưởng ở trường. Cuối năm thứ nhất, một số em có kỹ năng hàn được DN mời về làm việc bán thời gian.
Năm thứ hai, sinh viên có 2 tháng trải nghiệm tại DN, được bố trí về các tổ sản xuất phụ việc cho thợ chính, dần dần khi làm tốt chủ DN sẽ phân công công việc như công nhân chính thức. Thậm chí, sinh viên được giao việc theo hình thức khoán và hưởng lương theo sản phẩm. 2 tháng thực tập năm cuối cùng tại DN, sinh viên tiếp tục làm những công việc theo đúng nghề đã học để củng cố kiến thức cũng như nắm vững kỹ thuật của các phương pháp hàn. Cũng trong năm cuối, sinh viên được thao tác, lập trình trên robot hàn giúp khi ra trường dễ dàng trúng tuyển vào DN của Việt Nam , nước ngoài đang sử dụng mô hình này. “Trường còn có những modun thực hành về chế tạo phôi hàn, phương pháp MIG, MAG đang được nhiều DN áp dụng. Giáo viên giảng bài ngay tại xưởng sản xuất của DN, để sinh viên được học lý thuyết với thực tế sản xuất, có gì không hiểu được giải đáp ngay” – ông Hưng nhấn mạnh.
Ngoài những chuyên đề về chuyên ngành, nhà trường chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, giúp các em có kỹ năng ứng xử sau khi ra trường. Theo thầy Hưng, do nhà trường chú trọng vào khâu thực hành, nên nhiều giám đốc DN nhận xét sinh viên nghề nắm vững các phương pháp hàn cơ bản. Tất nhiên, từng DN có hệ thống máy móc mang đặc trưng riêng, nên các em sẽ được hướng dẫn trước khi bắt tay vào công việc.
Hiện nay, xã hội đang có nhu cầu nhân lực nghề hàn, vì thế, chỉ cần người học kiên trì và quyết tâm theo đuổi nghề thì sẽ thành công. Các em cũng không phải lo đến độc hại khi làm nghề nếu thực hiện đúng quy trình khoa học về an toàn lao động. Học nghề hàn, các em còn có thể làm được nhiều công việc khác liên quan đến lĩnh vực cơ khí nếu trong quá trình học luôn phát huy sự tìm tòi, sáng tạo.