Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Về hội. Trong đó, nhiều quy định của Dự luật vẫn khiến các ĐB băn khoăn.
Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), Dự Luật vẫn nặng về quản lý nhà nước, không mở ra được những mối quan hệ để mở mang thêm quyền con người, quyền công dân một cách thực sự năng động, sáng tạo trong giai đoạn mới để hội nhập và phát triển mạnh. Vì thế, theo ĐB, nên mở rộng, đặc biệt tạo điều kiện cho hội từ trong điều kiện thành lập, thời gian và các yếu tố để các hội này mở rộng.
Để “cởi trói” cho hoạt động của các hội, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ CHí Minh) cho rằng: Chúng ta cần tin tưởng giao quyền và cơ chế cho hội để bớt gánh nặng cho Nhà nước và tăng cường vai trò của hội và hội viên để phát huy hiệu quả, sức mạnh của hội, chứ không phải chỉ là nơi tập hợp “những người về hưu”.
|
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Internet) |
“Dự Luật cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh kĩ hơn trước khi thông qua, bỏ tư duy không quản được thì cấm. Làm sao khi áp dụng Luật mới, hội có sự hoạt động hiệu quả, tập hợp được quần chúng, khắc phục được căn bệnh hình thức, phát huy tinh thần tự quản, khẳng định là kênh giám sát hỗ trợ cho quản lý Nhà nước trong xã hội ngày càng phát triển”, ĐB Lan đề xuất.
Trong khi đó ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng: Dự Luật vẫn còn nhiều quy định chưa đảm bảo sự nhất quán các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề có quy định nhưng chưa phù hợp với thực tế. Do đó, cần có thêm thời gian chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật nên chưa thông qua Dự Luật trong kỳ họp này.
Về quy định không liên kết, gia nhập và nhận tài trợ từ nước ngoài, nhiều ĐB cho rằng, nên cân nhắc quy định linh hoạt, mềm dẻo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống, vì có một số hội vẫn có nhận tài trợ từ nước ngoài như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các hội chuyên môn khác... Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), tài trợ và cứu trợ là khác nhau, sau Luật này, nếu không cho nhận tài trợ, nhiều hội sẽ quay sang nhận cứu trợ và quy định đặt ra là không đạt được mục đích. Nhất trí về việc phòng ngừa lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, nhưng theo ĐB cũng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc các hội gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu học hỏi và hỗ trợ hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, giải trình của UBTV Quốc hội cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động. Số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều, do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.
Hội phải tự lo kinh phí
Trước con số Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách công bố cách đây ít lâu, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra 14.000 tỷ đồng “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể, khiến không ít ĐB tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về gánh nặng ngân sách. Nhiều ĐB cho rằng, chỉ tổ chức hội thành lập theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. ĐB Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cho rằng: Không nhất thiết tổ chức hội đặc thù nào cũng có tổ chức bộ máy từ T.Ư đến cơ sở dẫn đến bộ máy cồng kềnh và không có ngân sách để trang trải.
Theo nhiều ý kiến, bản chất của hội là mang tính tự nguyện, nên quản lý nhà nước về hội sẽ khác với các lĩnh vực khác. Với tư cách là tổ chức tự nguyện, vai trò tự quản và tự chịu trách nhiệm của các hội là rất lớn. Đồng thời, cần xác định rõ lại, hội tự lo kinh phí hoạt động và nhà nước chỉ cấp kinh phí với những nhiệm vụ mà nhà nước giao theo tính chất đặt hàng.
Các ĐB cũng đề xuất không hạn chế quyền thành lập hội, mà cần tăng cường quản lý, để làm sao các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng như Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS), nhưng lại đi ngược lại lợi ích người tiêu dùng, không đúng tôn chỉ mục đích của hội như vừa qua.