Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện nay vẫn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp là một trong những yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới.
Do đó, Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam” sẽ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp, đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia cho các DN trong các ngành công nghiệp trọng điểm.Dự án có tổng kinh phí 158 triệu USD, trong đó WB cung cấp 100 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế để hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. Dự án đã chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/2017 và sẽ được thực hiện đến tháng 7/2022.Dự án được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi và bền vững để các DN công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay là cơ hội tốt để Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới công bố chính thức việc khởi động Dự án tới các DN công nghiệp, ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.“Việc triển khai thực hiện Dự án sẽ giúp cung cấp một nguồn tài chính tin cậy, ổn định và ưu đãi tới các tổ chức tài chính, DN công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) để thực hiện các dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.Trong khi đó, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Chính phủ đã nỗ lực mạnh mẽ trong vài năm gần đây trong việc xây dựng chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong tất cả các ngành. Tuy nhiên, ngành năng lượng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do nguồn năng lượng trong nước hạn chế và nhu cầu sử dụng điện cao từ tăng trưởng kinh tế. “Trong bối cảnh này, việc thực hiện và thúc đẩy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như giúp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành công nghiệp của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và tránh phải đầu tư vào các nhà máy điện than mới”, vị này nói. Kinh phí trong dự án sẽ được cấp cho các định chế tài chính tham gia, và các định chế này sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp vay vốn để đầu tư vào các tiểu dự án về tiết kiệm năng lượng.