Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

18 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/9, khoảng 18 triệu học sinh, sinh viên và 4,7 triệu trẻ đến trường mầm non khai giảng năm học mới.

Theo Bộ GD&ĐT, dự báo năm học 2013-2014 có hơn 22 triệu, trong đó trẻ mầm non có khoảng 4,7 triệu (tăng gần 220 nghìn so năm ngoái). Học sinh tiểu học có hơn 7,4 triệu em (tăng hơn 100 nghìn), THCS có gần 5 triệu, THPT hơn 2,7 triệu, trung cấp chuyên nghiệp 520 nghìn và cao đẳng, đại học gần 2,2 triệu.

Trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc mừng đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh. Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm học 2013 - 2014 là năm đầu tiên thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 6 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

"Cần quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học", Chủ tịch nước viết trong thư.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mục tiêu giáo dục năm nay không thay đổi so với các năm trước nhưng cách tiếp cận sẽ có nhiều đổi mới. Hiện nay, một số giải pháp đã được triển khai trong giáo dục như mô hình trường tiểu học chất lượng cao, dạy học tiếng Việt công nghệ lớp 1, áp dụng phương pháp dạy học mới "bàn tay nặng bột", động viên học sinh nghiên cứu khoa học, tổ chức thi giáo viên dạy kiến thức liên môn...

"Đổi mới phương pháp dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá cũng như quan niệm về chất lượng giáo dục sẽ được thực hiện nghiêm túc trong năm học mới. Ngành giáo dục cũng sẽ chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục", Thứ trưởng Hiển nói.

Năm nay, trong hệ thống trường công lập xuất hiện mô hình trường chất lượng cao. Theo Thứ trưởng Hiển, mọi trẻ em đều được đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục, còn sự bình đẳng về chất lượng giáo dục thì khó có thể làm được và hiện cũng chưa nước nào làm được.

Năm 2013, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo là hơn 194.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với năm 2012. Trong số đó, tiền chi cho giáo dục ở trung ương là gần 42.200 tỷ đồng, địa phương là 152.220 tỷ đồng. Số tiền chi cho giáo dục cơ bản là 30.015 tỷ, chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo là 164.401 tỷ.