Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2,5% dân số Hà Nội nằm trong phạm vi bảo vệ đê và hành lang thoát lũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 251 khu dân cư với 6.744 hộ gia đình với 30.177 nhân khẩu nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều đang sử dụng 244,04ha đất.

Nằm trong chỉ giới thoát lũ các tuyến sông là 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân với 129.567 nhân khẩu đang sử dụng 2.854,87ha đất. Như vậy, số lượng dân số sống tại các khu dân cư đã tồn tại lâu đời (có khu dân cư tồn tại 300-400 năm) nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, trong hành lang thoát lũ dọc các tuyên sông của thành phố hiện nay khoảng 159.744 người, chiếm 2,5% dân số thành phố. Các khu dân cư này đều tồn tại từ trước những năm 1954 và hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 6 nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ, thời gian phải tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê tối đa 2 năm, ở bãi sông không phù hợp với quy hoạch tối đa 5 năm, kể từ khi Luật Đê điều có hiệu lực ngày 1-7-2007. Đối với Thủ đô Hà Nội, việc triển khai thực hiện theo quy định của Luật thực tế hiện nay chưa thể thực hiện được. Luật Đê điều có hiệu lực đến nay đã hơn 6 năm nhưng việc di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông chưa thực hiện.

Theo “Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội” kế hoạch sẽ di dời 22.358 hộ dân nằm trong hàng lang thoát lũ với khoản kinh phí khá lớn 73.505 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD theo tính toán năm 2009). Hơn nữa, nếu di dời như vậy sẽ gây xáo trộn về dân sinh, xã hội, phần nào ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội của Thủ đô. Vì vậy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xác định phố cổ, làng cổ và hướng xử lý đối với các khu dân cư sống lâu đời nằm trong phạm vi bảo vệ đê, bãi sông trên địa bàn thành phố .