2 giải pháp đột phá cho ngành chăn nuôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo quốc tế "Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế chia sẻ kinh nghiệm - định hướng tương lai".

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã rất quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Từ trước khi hoàn thành đàm phán TPP, đã có rất nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị bàn riêng về chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, đến nay, việc tìm lối ra cho ngành chăn nuôi khi hội nhập vẫn còn nhiều lúng túng nhất định. 
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Theo ông Tám, chăn nuôi là ngành hàng yếu thế và có ít sản phẩm xuất khẩu nhất. Mỗi năm ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 8 - 9 tỷ USD nhưng riêng lĩnh vực chăn nuôi lại nhập siêu. "Hội nhập không chỉ có xuất khẩu mà phải cạnh tranh ngay trên sân nhà" - ông Tám chia sẻ.

Theo đại diện Bộ Công Thương, đặc trưng của phần lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA), nông nghiệp thường là lĩnh vực nhạy cảm, có lộ trình cắt giảm thuế quan dài hơn. Một số nước phát triển còn coi nông nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm cao hơn, nhưng với nước đang phát triển có xu thế muốn có cam kết thông thoáng trong nông nghiệp, nhất là với sản phẩm thế mạnh. Với các FTA mà Việt Nam đã tham gia, lộ trình cắt giảm thuế quan với nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng còn tương đối dài.

Trên cơ sở phân tích rõ thời cơ lẫn thách thức của ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng hai giải pháp đột phá với ngành chăn nuôi cần thực hiện trước mắt là ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào để giảm giá thành, tăng chất lượng và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ATTP.