Những cột mốc đi cùng sự phát triển của Thủ đô
Chiều 6/8, tại Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển. Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Từ nhu cầu thực tiễn cần một công cụ tài chính đóng vai trò “vốn mồi” nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ngày 11/8/2004, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 126/2004/QĐ-UB thành lập Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Phát triển nhà ở TP Hà Nội.
Quỹ Đầu tư Phát triển TP Hà Nội được xác định là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND TP, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, đảm bảo an toàn và phát triển vốn, có chức năng huy động vốn và tập trung đầu tư cho các dự án phát triển nhà ở, các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố từng thời kỳ.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội đã tập trung, bám sát các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình công tác và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP; Chủ động và phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố và đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Từ một đơn vị với 45 biên chế và số vốn điều lệ thực có là 864 tỷ đồng, Quỹ đã không ngừng lớn mạnh và chuyển mình theo từng thời kỳ phát triển của Thủ đô. Trong giai đoạn đầu từ khi thành lập (tháng 8/2004) đến khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008), Quỹ đã xây dựng được bộ máy và đào tạo đội ngũ cán bộ để thực hiện công tác quản lý vốn ngân sách ủy thác;
Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nhận ủy thác cấp phát và cho vay gần 4.000 tỷ đồng cho khoảng 200 dự án, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của Thủ đô, góp phần tích cực trong việc tạo ra quỹ nhà tái định cư cho Thành phố, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án phục vụ các công trình trọng điểm, công trình 1.000 năm Thăng Long của Thủ đô.
Từ thời điểm sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008) đến khi Quỹ được tổ chức lại (tháng 1/2017) là giai đoạn chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh của Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đến năm 2016, quy mô vốn điều lệ của Quỹ từ mức 2.000 tỷ đồng được nâng lên 5.000 tỷ đồng; nguồn vốn điều lệ thực có được bổ sung qua các năm, từ mức 893 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2008 đã tăng lên 2.460 tỷ đồng.
Theo bà Chu Nguyên Thành - Tổng Giám đốc Quỹ, để đạt được những thành tích như trên nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ ngành liên quan; sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP và Hội đồng quản lý Quỹ; sự phối hợp của các Sở ngành, các đối tác và đơn vị có liên quan cũng như những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức Quỹ qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Quỹ cũng cho rằng những kết quả trên còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tầm vóc và vị thế của một trong những Quỹ đầu tư phát triển địa phương lớn nhất trên cả nước. Mặc dù đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây song tỷ lệ sử dụng các nguồn vốn đến nay còn chưa cao.
Ba nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp, nỗ lực nêu trên của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời gian tới, các yếu tố bất lợi bên ngoài cùng những hạn chế, bất cập nội tại tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy, có ý thức đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức có trình độ, sáng tạo, năng động và chuyên nghiệp; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động Quỹ. Các công việc theo chương trình, kế hoạch công tác phải có nội dung, khối lượng, tiến độ cụ thể, rõ ràng.
“Các đồng chí lãnh đạo Quỹ theo chức trách, nhiệm vụ được giao cần tập trung lãnh đạo, theo dõi sát sao, kịp thời đưa ra các biện pháp để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc. Đặc biệt là xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu; Chọn người đứng đầu theo tiêu chí “3T1Q: Tâm trong sáng - Tầm nhìn xa - Truyền cảm hứng - Quyết là làm”. Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cuối cùng, 4 trong 1 hay 4 đồng thời: Chọn đúng người - Trao niềm tin - Cho điểm tựa - Đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý điều hành. Phấn đấu cùng với các sở, ngành xây dựng “Chính quyền phục vụ - Xã hội niềm tin”; Xây dựng nền hành chính phục vụ “văn minh - hiện đại - chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu lực, hiệu quả”, với “Người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm phục vụ vừa là chủ thể sáng tạo phát triển Thủ đô”.
Thứ ba, trong hoạt động chuyên môn cần tăng cường giải pháp quản lý các nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay và ứng vốn quỹ phát triển đất đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác dự báo và quản lý rủi ro. Chủ động rà soát, xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch hoạt động. Thực hiện kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro định kỳ và đột xuất trong quản lý và sử dụng vốn.
Nâng cao khả năng sử dụng vốn trọng tâm là hoạt động cho vay đầu tư, tập trung đi sâu và giải quyết những vấn đề quan trọng của Thành phố như nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, nước sạch nông thôn, điện lực, môi trường, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục... Lập kế hoạch cụ thể, phân nhóm, phân kỳ để giải quyết.
Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, các Chủ đầu tư để ứng vốn kịp thời theo yêu cầu, tiến độ thực hiện dự án và nguồn vốn hiện có cho các dự án giải phóng mặt bằng; thanh, quyết toán nhà tái định cư; giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, đất đấu giá, đất dịch vụ. Đẩy mạnh công tác thu hồi tạm ứng và công tác thu hồi vốn ứng. Nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng kế hoạch bố trí vốn.
Tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý và triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ,… và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo Thành phố giao.