Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2011: Vẫn còn đất cho máy tính để bàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phải thừa nhận rằng, thời hoàng kim của các dòng máy tính để bàn đã qua không chỉ tại thị trường Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là xu thế tất yếu đã được nhìn thấy trước.

KTĐT - Phải thừa nhận rằng, thời hoàng kim của các dòng máy tính để bàn đã qua không chỉ tại thị trường Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là xu thế tất yếu đã được nhìn thấy trước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, máy tính để bàn đã hoàn toàn hết… đất sống.

Laptop “vượt mặt” desktop

Thị trường máy tính Việt đã và đang chứng kiến sự lấn lướt thực sự của máy tính xách tay (laptop) so với máy tính để bàn (desktop). Bằng chứng là vài ba năm trở lại đây, sự tăng trưởng của lĩnh vực máy tính xách tay ở thị trường Việt đã vượt qua cả sự mong đợi, kỳ vọng cũng như dự báo trước đó của nhiều hãng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 2009, máy tính xách tay đã có tốc độ tăng trưởng lên tới 70%. Và năm 2010, máy tính xách tay vẫn là sự lựa chọn số một, áp đảo và “vượt mặt” khá so so với thị trường máy tính để bàn.

Theo một đại diện siêu thị máy tính tại Hà Nội, có nhiều lý do giải thích cho thực tế này trong đó phải kể tới sự ảnh hưởng của nhu cầu người dùng. Trong khi các dòng máy tính để bàn không thực sự có nhiều mẫu mã mới thì máy tính xách tay lại luôn được các hãng “hâm nóng” và kích cầu thị trường máy tính trong nước bằng nhiều dòng sản phẩm máy tích hợp các tính năng và ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào thị trường.

Và lẽ dĩ nhiên, một chiếc máy tính xách tay có đầy đủ các tính năng như máy tính để bàn lại có thể làm việc hay học tập ở mọi nơi, thêm đó là khả năng lướt net, vào mạng cũng hoàn toàn di động nhờ có những dịch vụ công nghệ viễn thông băng rộng hiện đại đã khiến những chiếc máy tính để bàn dần mất vị thế.

Nhưng hết thời không có nghĩa là… hết!

Chứng minh cho lời khẳng định này, trong năm 2010 vừa rồi, các hãng máy tính cũng đã tung ra nhiều mẫu mã mới cho dòng máy tính để bàn như Lenovo, HP, Toshiba, ThinkPad…

Tuy nhiên, đại diện của HP cũng thừa nhận, sức ép cạnh tranh với máy tính xách tay của máy tính để bàn đang ngày một lớn. Và để tiếp tục có thị phần, doanh nghiệp phải nghĩ cách khiến những chiếc máy tính để bàn truyền thống không ngừng cải tiến để vượt qua những thách thức, có thể tiếp tục được “ngự trị” trên bàn làm việc ở các gia đình và doanh nghiệp.

Và điều đầu tiên mà họ nghĩ tới đó là làm sao phải đơn giản hoá máy tính để bàn, khiến người dùng khi nhìn thấy phải thay đổi suy nghĩ. Những chiếc máy tính để bàn hiện nay chả kém một chiếc máy tính xách tay là bao về tình năng động khi được tinh giản đến mức tối đa.

Dòng máy tính “All in o­ne” của hãng HP là một ví dụ. Nó chỉ gồm một màn hình siêu mỏng độ dày vài centimet nối liền với bàn phím gọn nhẹ cùng chuột quang tiện dụng, trong đó tích hợp cả tính năng của dàn loa và chiếc CPU trước đây luôn bị coi là rất cồng kềnh.

HP Pavilion MS200 là một trong những dòng máy tính được thiết kế đơn giản đầu tiên của HP ra đời trên thế giới, thiết kế rất bắt mắt với chân đế xám bạc, màu sắc LCD đen bóng, tạo thêm độ sắc nét cho màn hình 21,5-inch được tích hợp công nghệ BrightView chống loá.

Với thiết kế này, một chiếc máy tính để bàn nếu nhìn thoáng qua như HP Pavilion MS200 chẳng khác nhiều lắm so với một chiéc LCD thông thường. HP Pavilion MS200 còn là dòng máy để bàn nhỏ gọn đầu tiên được cài hệ điều hành Windows 7 nhiều tính năng.

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, xu hướng máy tính giản tiện này không những giúp dòng máy để bàn tiếp tục tồn tại mà còn phát triển phù hợp với xu hướng của công nghệ không dây hiện nay. Cũng cần nói thêm rằng dòng máy tính để bàn giản tiện này hiện đang thu hút khách hàng nhờ giá thành mềm hơn so với một chiếc laptop cùng cấu hình với ưu điểm là gọn nhẹ, thời trang.

Sau HP, các dòng máy tính khác như Toshiba, Acer, Lenovo… cũng đang tìm cách duy trì thị phần máy tính để bàn của mình trên thị trường Việt Nam bằng nhiều chính sách khác nhau, đặc biệt quan tâm tới việc cải tiến hình dáng, tính năng để chiếc máy tính để bàn ngày một phù hợp hơn với đời sống và nhu cầu của người dùng Việt. Họ đang nỗ lực nhằm cùng chứng minh, năm 2011 và cả những năm tiếp theo, máy tính để bàn vẫn còn đất sống.