KTĐT - Các nhà quản lý quỹ đầu cơ vẫn có thể kiếm được hàng triệu đôla tiền phí quản lý cả khi quỹ của họ hoạt động không tốt. Những phí này vẫn được thu dù cho công ty có lợi nhuận hay lỗ.
Mười năm trước, 25 nhà quản lý quỹ đầu tư kiếm được 5 tỷ USD mỗi năm. Tới năm 2010, chỉ một người trong số họ đã thu về con số gần tương đương; những cá nhân khác cũng bỏ túi hàng trăm triệu đôla cùng thời điểm.
John Paulson là nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng với các phi vụ bán khống trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn năm 2007. Năm 2010, ông đã kiếm được mức tiền kỷ lục là 4,9 tỷ USD nhờ việc quỹ Paulson & Company đầu tư lớn vào vàng. Quỹ đầu tư Paulson Gold Fund đã tăng lợi nhuận hơn 35%, nhờ đánh vào các cổ phiếu vàng Anglo Gold, Osisko, GLD và ETF.
Năm 2010, giá thép tăng đã giúp giá trị của một số quỹ đầu cơ thêm hơn 30%. Đây cũng là năm mà các chủ quỹ xuất sắc thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Chỉ 25 nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu đã bỏ túi tổng cộng 22,07 tỷ USD, theo xếp hạng năm của tạp chí AR. Với mức lương của người Mỹ khoảng 50.000 USD một năm thì tổng số tiền mà các chủ quỹ đầu tư này kiếm được bằng với lương của 441.400 công dân Mỹ.
Các nhà quản lý quỹ đầu cơ vẫn có thể kiếm được hàng triệu đôla tiền phí quản lý cả khi quỹ của họ hoạt động không tốt. Những phí này vẫn được thu dù cho công ty có lợi nhuận hay lỗ.
Năm ngoái, ngành công nghiệp quỹ đầu cơ nói chung hoạt động không tốt bằng thị trường chứng khoán. Chỉ số toàn cầu của HedgeFund Intelligence - theo dõi gần 4.000 quỹ đầu cơ trên toàn thế giới, cho thấy lợi nhuận các quỹ tăng trung bình 8% trong năm 2010, trong khi mức tăng của MSCI thế giới là 11,7% và chỉ số Standard & Poor’s 500 (S&P 500) tăng 12,7%.
Những chủ quỹ đầu tư kiếm được nhiều nhất trong năm đã bỏ túi hàng trăm triệu USD nhờ thu phí nhưng chỉ kiếm được doanh thu một con số từ đầu tư. Tạp chí AR đã đưa ra những con số về thu nhập của các nhà quản lý quỹ bằng việc ước tính một phần phí họ thu được, kèm sự tăng lên của giá trị cổ phần các cá nhân trong các quỹ.
David Shaw của Công ty D.E. Shaw – một tổ chức sử dụng những thuật toán phức tạp để xác định hoạt động đầu tư, lọt vào danh sách trên với thu nhập 257 triệu USD. Dù vậy, quỹ lớn nhất của ông chỉ đem lại lợi nhuận khiêm tốn là 2,45% và toàn công ty đã thua lỗ 40% tài sản của mình, theo tạp chí AR.
Tạp chí này cũng cho biết ông Shaw đã lọt vào danh sách bởi vì doanh nghiệp đã trả 3% phí quản lý và 30% lợi nhuận đầu tư thu được. Bản thân ông Shaw cũng giàu lên nhiều nhờ công ty.
Những nhà quản lý quỹ khác cũng có thu nhập khổng lồ trong khi quỹ của họ chỉ thu được lợi nhuận ít ỏi gồm có George Soros – nhà quản lý đã về hưu nhưng kiếm tiền phần lớn từ quỹ đầu cơ 28 tỷ USD Quantum Endowment. Năm 2010, quỹ Quantum chỉ tăng 2,63%, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Tương tự, quỹ đầu cơ của Công ty quản lý vốn Moore (Moore Capital Management) chỉ đem lại lợi nhuận một con số. Tuy nhiên, nhà quản lý Louis Bacon vẫn thu được 230 triệu USD nhờ sự tăng giá trị cổ phẩn của ông trong quỹ và một phần của phí quản lý 3% của doanh nghiệp và 25% lợi nhuận đầu tư thu được.
Một số nhà quản lý quỹ đầu cơ trong danh sách năm 2009 đã không nằm trong bảng xếp hạng năm nay bởi những hoạt động đầu tư dưới mức chuẩn của mình hoặc gây thua lỗ trong quỹ.
Philip Falcone của công ty đầu tư tư nhân Harbinger Capital Partners, người đã kiếm được 825 triệu USD trong năm 2009 và rót vốn lớn vào công nghệ băng thông rộng không dây, đã không nằm trong danh sách cho đến khi quỹ đầu cơ hàng đầu của ông tăng lợi nhuận 12% vào năm ngoái.
Lợi nhuận lớn vào cuối năm đã giúp cho Daniel Loeb – nhà sáng lập và chủ quỹ đầu cơ Third Point Advisors có thêm 33,7 – 41,5% lợi nhuận vào quỹ của mình, và bỏ túi 210 triệu USD.
David Tepper, nhà sáng lập Appaloosa Management, người đứng dầu danh sách nhà quản lý quỹ giàu nhất năm 2009 với lợi nhuận 4 tỷ USD, đã kiếm được 2,2 tỷ USD năm 2010 sau khi quỹ của ông tăng thêm 22-28%.
Lợi nhuận 20% vào năm ngoái đã giúp cho Leon Cooperman của Omega Advisors lần đầu tiên lọt vào danh sách này kể từ năm 2004. Rất nhiều nhà quản lý quỹ trong danh sách này đã từ chối bình luận hay không trả lời những câu hỏi. Nhưng ông Cooperman thì sẵn sàng.
Là con trai của một thợ sửa ống nước, ông đã học tại một trường công của thành phố New York tại Bronx. Ông Cooperman đã có được bằng cử nhân tại trường đại học Hunder khi chi phí cho một kỳ học ở đây là 24 USD. Khi được hỏi về việc ông đã lọt trong danh sách trên với thu nhập 240 triệu USD, ông cười và nói: “Tôi không quan tâm năm ngoái mình đã kiếm được bao nhiêu cho đến hạn phải nộp thuế. Hơn nữa, dù thế nào thì tôi cũng dùng số tiền này làm từ thiện”.
Ông đã tham gia chiến dịch Giving Pledge –của Bill, Melinda Gates và Warren Buffet nhằm khuyến khích những cá nhân giàu có, làm từ thiện phần lớn tài sản của mình trong suốt cuộc đời hay sau khi chết. Cooperman, năm nay 67 tuổi, cho biết ông đã quyên tiền cho vài bệnh viện và một số tổ chức từ thiện, cũng như ở Columbia – nơi ông đã học lấy bằng cử nhân kinh doanh. "Tôi đang tiếp tục làm từ thiện cho những điều mà tôi tiếp xúc trong cuộc sống”, ông nói