Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

29 năm tâm huyết với “nghề Bí thư chi bộ”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 30 năm làm công tác Đảng ở địa phương, ông Nguyễn Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 1 (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) luôn được người dân địa phương yêu mến bởi sự gần gũi, tận tâm, biết lắng nghe và chia sẻ với dân, từ đó, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

 Ông Nguyễn Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 1 (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) tại hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2018.
Quãng đường lắm gian lao, vất vả

Chia sẻ với chúng tôi về “quãng đường 29 năm làm Bí thư chi bộ”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, đó là một quãng đường lắm gian lao, nhiều vất vả nhưng mọi việc mình đều làm theo cái tâm, vì tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên nên vất vả mấy, ông cũng không nề hà. “Nhưng chính các hoạt động xã hội, hoạt động trong công tác Đảng lại làm cho tôi khỏe hơn xưa” - ông Hậu nói.

Chi bộ 1 (gồm 3 tổ dân phố, với 900 hộ dân và 3.600 nhân khẩu) lúc đầu chỉ có 40 đảng viên, đến nay là 112 đảng viên. Theo lời ông Hậu, mặc dù đông đảng viên nhưng trình độ không đồng đều nên đòi hỏi người đứng đầu phải linh động, điều hòa mọi việc mới lãnh đạo được. Thực tế, tại địa bàn 3 tổ dân phố Chi bộ 1 lãnh đạo, rất nhiều nhiệm vụ đòi hỏi tâm huyết của người Bí thư khi triển khai. Đặc biệt, trong quản lý đất đai, GPMB các dự án, Bí thư chi bộ địa bàn dân cư dường như là một trong những người vất vả nhất, nhất khi xảy ra tình trạng không đồng thuận.

Điển hình, năm 2017, trên địa bàn phường Phúc Diễn có chủ trương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) để mở rộng đường làng, ngõ phố, xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh. Thời điểm đó, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", ông và cấp ủy phải đi từng nhà để mềm mỏng tuyên truyền, vận động người dân thống nhất chấp hành chủ trương. Bên cạnh đó, chi bộ cũng luôn công khai, minh bạch giá đất bồi thường trước dân để tạo sự đồng thuận. “Chính quyền, chi bộ muốn làm tốt mọi việc thì phải đặt “dân chủ” lên hàng đầu. Bởi dân chủ tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đoàn kết, từ sự đồng thuận đó mới tạo nên nghị quyết dần triển khai đến đảng viên và Nhân dân một cách hiệu quả” - ông Hậu lý giải.

Tuy nhiên, trong quá trình GPMB, không phải không có gia đình phản đối, như trường hợp của 14 hộ dân bức xúc viết đơn kiến nghị, kéo đến nhà ông phản đối là một ví dụ điển hình. Nhưng chính sự nêu gương của người đảng viên, giải pháp hợp lý trong tuyên truyền, kết hợp với việc đưa chính sách pháp luật cụ thể để dân biết và hiểu, những bức xúc dần được giải tỏa. Nhờ đó, ông đã khéo léo, vận động Nhân dân giải phóng hàng nghìn m2 đất, phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án.

Luôn gần dân để dân tin

Chia sẻ bí quyết thành công trong 29 năm làm “nghề Bí thư chi bộ”- ông Hậu khiêm tốn nói: “Tôi chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ tâm niệm lời Bác dạy “cái gì có lợi cho dân thì cố gắng mà làm”. Nếu người dân căng thẳng thì mình phải nhẹ nhàng, tình cảm, lúc người ta bức xúc thì mình phải lắng nghe. Muốn dân nghe mình, đòi hỏi người cán bộ phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm để dân thấu, dân phục, luôn gần dân để dân tin và phân tích hợp lý hợp tình để dân hiểu. Những điều đó góp phần tạo nên sự thành công ở chi bộ cơ sở của chúng tôi”- ông Hậu chia sẻ.

29 năm tâm huyết với “nghề”, ông Hậu bảo, làm Bí thư chủ yếu là mong dân có được đường làng khang trang, phố phường sạch đẹp. “Làm lãnh đạo dù là tổ chức cơ sở Đảng nhỏ nhất cũng không phải đơn giản, phải có cách nhìn nhận vấn đề. Là cán bộ, trước tiên bản thân mình phải gương mẫu đi đầu, gia đình phải tốt mới tạo được uy tín trong Nhân dân” - ông tâm niệm.

Nhưng ông cũng cho rằng, cái khó nhất của Bí thư chi bộ địa bàn dân cư là phải phát huy cao tính dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, triển khai các vấn đề trọng tâm không để quan điểm cá nhân chi phối. Nếu làm tốt, việc triển khai các nghị quyết, công việc rất thuận lợi, không bị vướng, mới đóng góp hiệu quả vào các vấn đề của địa phương.