Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 “điểm nhấn” đặc sắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù đêm 22/6, Festival di sản Quảng Nam lần thứ V mới chính thức khai mạc tại Nhà hát Hội An, nhưng từ 19/6, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã đưa vùng đất di sản này vào không khí lễ hội.

3 “điểm nhấn” đặc sắc - Ảnh 1
 
Hội An, nơi diễn ra Festival di sản Quảng Nam lần thứ V.Ảnh: Mai Thành Chương
 
Festival lần này hứa hẹn sự phong phú và hoành tráng với khoảng 15 chương trình văn hóa nghệ thuật lớn, trong đó, "điểm nhấn" chính là Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ III tại Việt Nam - Hội An năm 2013; triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN" và Chung kết cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ III". Cuộc thi hợp xướng quốc tế (từ 19 đến 21/6) mời gọi được tới 700 diễn viên của 15 đoàn nghệ thuật, đại diện cho 7 quốc gia và vùng lãnh thổ (Indonesia, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Mỹ, Việt Nam).
Không chỉ trình diễn trong không gian trang trọng vốn có, các đoàn nghệ thuật còn trình diễn trên đường phố để phục vụ người dân và du khách. Triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam -  ASEAN" (khai màn ngày 21/6 tại công viên vườn tượng Hội An) thì trải dài bên bờ sông Hoài với 16 gian nhà cổ giới thiệu những nét đặc trưng của các vùng văn hóa Việt Nam, những hình ảnh sinh động của các di sản ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Trên nền khung cảnh ấy, khoảng 200 nghệ nhân đến từ các nước khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và 20 tỉnh, thành trong nước sẽ trình diễn nghệ thuật truyền thống và triển lãm. Riêng đêm chung kết và lễ đăng quang Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3 (đêm 26/6), cũng chính là đêm bế mạc Festival hứa hẹn nhiều thú vị nhất. Bởi 64 thí sinh của 25 dân tộc, sau rất nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với festival, sẽ bước vào "sàn đấu" để tìm ra gương mặt đẹp nhất. Hơn nữa, ngoài tôn vinh nhan sắc, trí tuệ của các thiếu nữ dân tộc Việt, tiêu chí của cuộc thi này còn hướng tới việc thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, gửi gắm thông điệp sắc đẹp đi đôi với trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh 3 hoạt động chính, Festival còn có Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa Chăm; Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX; Liên hoan di sản ẩm thực… và một số giải thi đấu thể thao gắn liền với bản sắc và vùng đất Quảng như bóng đá bãi biển, đua thuyền… Tuy thời gian chuẩn bị cho Festival chỉ gói gọn trong vòng 6 tháng, nhưng tỉnh Quảng Nam đã khá chu đáo trong khâu chuẩn bị. Ban tổ chức đã tính cả các biện pháp để hạn chế tối đa việc “chặt chém”, tranh giành khách du lịch trong những ngày diễn ra lễ hội. Điều thuận lợi cho Festival là thời gian này không phải là mùa cao điểm của khách du lịch nước ngoài nên vấn đề "cháy" phòng trọ không làm những người tổ chức quá lo lắng. Được biết, cho đến ngày 10/6, Festival đã nhận được 34,5 tỷ đồng từ các nhà tài trợ.