Tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020 với mức tăng dao động từ 6 - 6,67%.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) nhận định, mặc dù mức độ phục hồi chưa bền vững nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, FDI sẽ tăng từ 1,4 nghìn tỷ USD năm 2015 lên 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2016 và khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2017. Riêng tại Việt Nam, dòng vốn FDI gián tiếp được đẩy mạnh hơn khi Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Cùng với đó, trong giai đoạn tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới nhờ vào hàng loạt yếu tố như: Hỗ trợ giá hàng hóa, nhu cầu bên ngoài đi cùng với những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả…
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng đã đưa ra 3 kịch bản cho triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ở kịch bản trung bình, cũng là kịch bản chủ đạo, với nhiều khả năng xảy ra nhất, giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%; tốc độ tăng đầu tư trung bình 7% và hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách và tiền tệ linh hoạt. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,67%/năm và lạm phát khoảng 5%.
Ở kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn tuy nhiên cũng có thể đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát trung bình tương ứng là 7,04% và 6,1%.
Ở kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, những rủi ro nợ công và hệ thống tài chính ngày một lớn và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6% và lạm phát có thể tăng cao trở lại 7%.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Trưởng khoa Kinh tế phát triển, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), để triển vọng kinh tế Việt Nam tránh xa kịch bản thấp, điều sống còn là phải nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu về công nghiệp là vấn đề cốt lõi để tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|