Mưa, lũ đã khiến 2 người chết (tại Yên Bái và TP Hồ Chí Minh) và 1 người mất tích. Có 8 nhà bị sập, cuốn trôi và 39 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra mưa, lũ còn gây thiệt hại về nông nghiệp và các công trình giao thông, thủy lợi. Cụ thể tại Cao Bằng, mưa to trên địa bàn tỉnh từ đêm 28/8 đến ngày 30/8 làm sạt lở khoảng 1000m3 ta-luy dương tuyến đường tỉnh lộ 209 và gây tắc đường cục bộ tại Km12+500.
Tại Lạng Sơn, mưa lũ từ ngày 2/9 - 3/9 làm 92ha lúa, 11ha hoa màu bị ngập, đổ; 16m kênh mương bị sạt lở; 5 tuyến quốc lộ và 14 tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng trên 30.000m3.
Nhiều tuyến đường tại Cao Bằng sạt lở nghiêm trọng sau mưa lớn
|
Tại Sơn La, mưa, lũ từ ngày 4/9 đến sáng ngày 5/9/2015 trên suối Nậm La (thành phố Sơn La), xã Phiêng Ban (huyện Bắc Yên) và xã Chiềng Pấc (huyện Thuận Châu) khiến 1,5 ha lúa bị thiệt hại (trong đó mất trắng 1,1ha); 1500m2 ao bị ngập; 100 thùng ong bị hư hỏng...
Cũng theo báo cáo, một số tỉnh Trung Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Tại Khánh Hòa, diện tích lúa phải dừng sản xuất vụ Hè Thu là 10.025ha, trong đó, đã chuyển đổi 65ha từ lúa sang cây trồng cạn, diện tích còn lại sẽ chuyển sang sản xuất vụ Mùa, cây trồng cạn trong tháng 9, 10. Tại Ninh Thuận, diện tích đang phải dừng sản xuất do không có nước gieo cấy là 10.229ha, nếu theo xu hướng hàng năm đến tháng 10 có mưa thì diện tích này sẽ được tận dụng gieo trồng cây ngắn ngày để sản xuất. Tại Bình Thuận, do có mưa nên địa phương đã chỉ đạo gieo trồng giống ngắn ngày trên 4.300ha đất bỏ trống do thiếu nước thời gian trước, phần còn lại hơn 400ha khu vực Tuy Phong (thuộc vùng cấp nước hồ Đá Bạc) hiện vẫn bỏ trống do chưa có nước.