KTĐT - Cục Đường bộ vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, thừa nhận 3 trong số 5 trạm thu phí tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài được thành lập không phép. Thời gian qua, 5 trạm này đã thu 532 tỷ đồng.
Theo Cục Đường bộ, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải làm nhiệm vụ thu phí sử dụng đường và cầu đối với các phương tiện cơ giới, gồm 2 trạm.
Trạm chính đặt trên đường Thăng Long - Nội Bài, thu phí đối với các phương tiện cơ giới sử dụng chung cho đường và cầu Thăng Long. Trạm phụ đặt trên đường Vĩnh Thanh (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội). Trạm này chỉ thu phí sử dụng riêng cầu Thăng Long.
Theo Cục Đường bộ, trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài được giao cho Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 thuộc Khu Quản lý đường bộ 2 (khu 2) quản lý từ 1/8/1994 đến 1/9/2009, sau đó chuyển giao nguyên trạng cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8.
Tại thời điểm triển khai nhiệm vụ thu phí, do khu vực đặt trạm có nhiều đường nhánh tạo điều kiện cho các phương tiện qua đường, qua cầu trốn vé. Vì vậy, đơn vị thu phí đã tổ chức 3 điểm chống thất thu tại các đường nhánh là: Nam Hồng (hướng đi Vĩnh Phúc), Nam Hồng (hướng đi Đông Anh) và Kênh Giữa.
Tại các điểm chống thất thu này, bố trí từ 2 đến 3 người, có rào chắn cơ động để thu phí đối với những phương tiện cơ giới né tránh việc mua vé phí qua cầu.
"Việc hình thành và tồn tại 3 điểm chống thất thu là xuất phát từ yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, dù với mục đích chống thất thu thì việc lập 3 điểm thu phí là chưa bảo đảm tính pháp lý”, Cục trưởng Cục Đường bộ Mai Văn Đức thừa nhận.
Theo Cục Đường bộ, từ 1/8/1994 đến 8/2009 số thu của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 tại 2 trạm (có phép) và 3 điểm không phép là 532 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được do bán vé thu phí tại các điểm chống thất thu được nộp về trạm chính để nộp Kho bạc nhà nước theo quy định.
Đề cập đến trách nhiệm của Cục Đường bộ, Cục trưởng Mai Văn Đức cho rằng: "Chống thất thu cho ngân sách nhà nước là việc làm cần thiết nhưng chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là không đảm bảo tính pháp lý. Cục Đường bộ mới chỉ tập trung vào công tác thu phí mà thiếu quan tâm đến cơ sở pháp lý nên mới để xảy ra tình trạng này. Cục xin nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm".
Cuối tháng 10, trong quá trình tổ chức lại giao thông để sữa chữa cầu Thăng Long, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiểm tra và yêu cầu 4 trạm thu phí trên địa bàn huyện Đông Anh dừng hoạt động vì không xuất trình được giấy phép.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 lại cho rằng, phát biểu của thanh tra Hà Nội là "hồ đồ" và đưa ra lý do trạm dừng hoạt động là do yêu cầu của Cục Đường bộ để phục vụ sửa chữa cầu Thăng Long.
Trao đổi với PV sau đó, ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng có dấu hiệu của thu phí 2 lần và không chính đáng nên đã chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và Cục phòng chống tham nhũng Bộ Công an để làm rõ.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, ông ủng hộ việc công an vào cuộc, nếu có hiện tượng tiêu cực thì phải xử lý theo đúng quy định. "Điều mà người dân nghi ngờ tiêu cực trong thu phí tại nhiều trạm là chắc chắn có. Trong quá trình kiểm tra, nếu có hiện tượng lạm thu, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc đơn vị thu phí và dỡ bỏ các trạm sai quy định", ông Dũng nói.