Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

34 dự án BĐS ở Hà Nội thế chấp ngân hàng: Vẫn kiểm soát được

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinhtedothi.vn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN & MT Hà Nội cho biết vẫn kiểm soát được việc thế chấp dự án vào ngân hàng của các chủ đầu tư, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân liên quan đến việc cấp sổ đỏ

Thế chấp dự án không phải chuyện lạ

Trao đổi với PV Kinhtedothi.vn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết vẫn kiểm soát được việc thế chấp dự án vào ngân hàng của các chủ đầu tư, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân liên quan đến việc cấp sổ đỏ. Việc thế chấp dự án để vay vốn không phải là chuyện lạ với các chủ đầu tư.

Trả lời câu hỏi của PV báo điện tử Kinhtedothi.vn về việc các dự án đang thế chấp này người mua nhà có bị ảnh hưởng?

Ông Nghĩa khẳng định: Cho đến thời điểm này, các dự án vay ngân hàng này là chuyện bình thường trong kinh doanh và đúng luật định. Các cơ quan chuyên môn vẫn kiểm soát được và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Trên thực tế người mua nhà tại một số dự án này đã và đang được cấp giấy chứng nhận. Mặt khác đến thời điểm này, các chủ đầu tư của các dự án vẫn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi vay vốn và khi bán hàng.

Tuy nhiên, người mua nhà cũng nên tìm hiểu kỹ về dự án trước khi mua. Bên cạnh đó, có thể liên hệ với Sở Tài nguyên & Môi trường để được tư vấn xem dự án đó có được cấp sổ đỏ hay không.

"Đối với người mua nhà chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua. Như khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở TN&MT để hỏi nếu tôi mua thì tôi có được cấp giấy chứng nhận hay không. Đây là quyền của người dân và Sở TN&MTsẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này" - ông Nghĩa nói.
34 dự án BĐS ở Hà Nội thế chấp ngân hàng: Vẫn kiểm soát được - Ảnh 1
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã công khai danh sách thống kê dự án đăng ký thế chấp ngân hàng. Theo đó, tính đến ngày 29/7/2016, Hà Nội có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Nhận định về danh sách này của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng điều quan trọng nhất, cần thiết hơn là phải có số liệu các dự án thế chấp đó đã bán căn hộ cho người khác chưa. Đồng thời những người mua căn hộ trên có đem thế chấp lần nữa hay không? Vì điều chúng ta cần quản lý là một chủ sử dụng đất của một dự án có thực hiện hai quyền cùng một lúc hay không. Đây mới là điều nguy hiểm thật sự cho thị trường. Vì khi một chủ đầu tư thực hiện hai quyền sẽ tạo ra mâu thuẫn xung đột về lợi ích. Mà tình trạng này được coi là có liên quan đến việc có thể đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng hoặc là ảnh hưởng đến thị trường tài chính. (Vân Hằng)
Trong danh sách này xuất hiện nhiều công ty bất động sản lớn: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất; Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest (Khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất; Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (Khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất; Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (D20-CTDDCN1, KĐTM hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty TNHH Mai Trang (Dự án số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (KĐTM Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất; Công ty cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học kỹ thuật (Dự án Số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thế chấp bằng quyền sử dụng đất…

Trái luật khi bán rồi lại đem thế chấp

Trước đó, phân tích về thực trạng này trên Vietnamnet.vn, GS Đặng Hùng Võ cho biết, việc thế chấp ngân hàng của một dự án thông thường là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc này sẽ là trái pháp luật nếu như dự án đã thế chấp rồi lại đem đi bán hoặc bán cho khách rồi lại đem đi thế chấp.
Công ty Địa ốc Hoàng Quân thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh

Công ty Địa ốc Hoàng Quân thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh

Ngoài ra, nếu như dự án bất động sản đó đang hiện hữu thì pháp luật của chúng ta có đủ quy định để kiểm soát trường hợp này. Thế nhưng, hiện nay pháp luật có một lỗ hổng rất lớn là trường hợp mua bán nhà trên giấy, dự án đang triển khai thì lại không có quy trình nào trừ phần tài sản trên giấy đã bán khỏi dự án đang triển khai. Như vậy, chúng ta đang tồn tại một khoảng trống pháp lý rất lớn đối với trường hợp thế chấp cả dự án với việc thế chấp từng căn hộ trong dự án.

Năm 2008, Mỹ áp dụng một cơ chế là thế chấp thứ cấp, tức là ngân hàng có thể đem một dự án nhận thế chấp đi làm tài sản để thế chấp cho một ngân hàng khác, như vậy là một tài sản thế chấp hai lần. Việc mà chúng ta đang gặp phải hiện nay là một dự án, vừa thế chấp tổng dự án, vừa thế chấp từng căn hộ mà không có chuyện tách giá trị căn hộ đó ra khỏi dự án, có nghĩa là khá nhiều đơn vị bất động sản được thế chấp ngân hàng 2 lần. Điều này rất nguy hiểm.

Việc phát hiện ra các dự án có thế chấp ngân hàng với tỷ lệ khoảng 10% không nói lên tính nguy hiểm cho thị trường. Ở đây, phải phát hiện được, trong cả dự án thế chấp đó, có từng căn hộ trong tương lai hay hiện tại cũng mang đi thế chấp ở một ngân hàng khác hoặc thậm chí cùng ngân hàng thì lúc đó mới thành chuyện.

Tôi cho rằng, cần có 2 thông tin, dự án này đem đi thế chấp thì trong đó, có bao nhiêu căn hộ cũng đem đi thế chấp? Nếu dự án này đem đi thế chấp tổng thể nhưng không có căn hộ nào đi thế chấp thì câu chuyện đó là bình thường.

Nhưng chỉ có điều thế này, đã đem đi thế chấp dự án ngân hàng thì khi bán các căn hộ trong dự án đó thì phải giải chấp các căn hộ đó. Về nguyên tắc, pháp luật yêu cầu như vậy. Đó là điều tiếp theo chúng ta phải làm, phải minh bạch về các thông tin này.

Để giải quyết thực trạng trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thứ nhất là phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bất động sản, từ đất đai cho đến đầu tư xây dựng, mua bán, kinh doanh nhà, thế chấp, gắn với giao dịch bảo đảm. Chúng ta mới đang hoàn chỉnh phần về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, còn phần thế chấp bất động sản gắn với giao dịch bảo đảm thì dùng nguyên các Nghị định cũ, tức là vẫn căn cứ vào Luật cũ, coi như không biết Luật mới.

Giao dịch bảo đảm gắn với thế chấp đó theo Luật cũ trong khi các Luật đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở đã có Luật mới rồi thì thực sự mà nói, toà có thể tuyên các giao dịch bảo đảm căn cứ vào quy định cũ đều vô hiệu. Đã có ông chánh án tuyên như vậy, và ông ấy đúng. Nhưng cũng có ông chánh án tuyên là vì điều kiện chưa làm được Nghị đinh mới thì việc tuân theo Nghị định cũ là hợp lý. Ông ấy nói cũng đúng.

Chúng ta đang tạo một điều kiện mà toà xử thế nào cũng được. Đó là cái mà chúng ta cần hoàn chỉnh tiếp.

Tiếp theo, cần có phổ biến pháp luật, cần có cuốn sách phổ biến cho người dân, vào trường hợp này thì làm thế nào, giúp cho người dân tham gia thị trường bất động sản, cần làm gì, không nên làm gì, trước một việc thì cần tìm thông tin gì?

Điểm cuối cùng là phải công khai toàn bộ thông tin các dự án, về tình trạng thị trường bất động sản. Làm được vậy là rất có lợi cho thị trường bất động sản, không rơi vào tình trạng bất bình thường trong mối quan hệ cung- cầu.