Kinhtedothi - Ngày 18/9, tại Hội thảo về tình trạng sử dụng rượu bia trong thanh niên do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy, có nhiều thông tin đáng lo ngại về thực trạng sử dụng rượu bia trong các đối tượng này trên địa bàn thành phố.
Kết quả khảo sát trên 670 nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi do Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mới đây cho thấy, có đến 21,3% người đang có xu hướng lạm dụng rượu bia, có nghĩa là bắt đầu có sự lệ thuộc trong sử dụng rượu bia và có khả năng dẫn đến nguy cơ nghiện rượu bia.
Về mức độ sử dụng, có 20% người trẻ tuổi bị nghiện rượu bia ở mức độ nhẹ, 16% nghiện ở mức độ vừa phải. Đáng chú ý, có 4,6% người được khảo sát đã rơi vào tình trạng nghiện rượu bia ở mức độ nặng.
Ở mức độ này, con người không thể ngưng lại việc sử dụng rượu bia, kèm theo đó là những hành vi tiêu cực như cáu gắt khi không có bia rượu, sẵn sàng dùng bạo lực khi uống bia rượu...
Về thời gian sử dụng rượu bia, trong số những người được khảo sát, có đến 60% người đã sử dụng rượu bia trên 48 tháng và 25,5% người uống rượu bia ở mức độ trên 3 lần một tuần.
Liên quan đến tác hại của việc sử dụng rượu bia thường xuyên, bác sỹ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc sử dụng rượu bia trên 3 lần/tuần, với số lượng trên 50ml rượu nguyên chất thì có thể coi như là nghiện rượu.
Tác hại của rượu còn phụ thuộc vào độ tinh chất của rượu, chẳng hạn như trong rượu có chất methanol có thể gây mù mắt, vì chất này sẽ chuyển hóa thành formaldehyde là chất được dùng để ngâm tử thi. Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiện rượu sẽ dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm về mặt sức khỏe như: rối loạn lo âu, rối loạn chức năng tình dụng, trầm cảm, nhân cách phi xã hội...
Theo Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu hoặc trong hơi thở gây ra. Các vụ tai nạn này làm 42 người chết và 10 người bị thương.
Ở Việt Nam, sau bữa sáng và bữa trưa, nhiều trường hợp bị tai nạn ngay trên đường đi làm hoặc quay lại cơ quan vì say xỉn.
Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ tuổi cần ý thức về những tác hại của rượu bia trên cả hai phương diện tinh thần và thể chất. Khi bản thân có dấu hiệu nghiện rượu bia, cần đến các cơ sở y tế để trị liệu, tư vấn. Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở bạn bè và đồng nghiệp về tác hại của nghiện rượu bia.
Phía ngành chức năng cũng cần tăng cường các văn bản pháp luật, xử phạt hành vi sử dụng rượu bia một cách rõ ràng.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện.
|