Tuy nhiên, hôm nay, dư luận xã hội bàn nhiều về việc Bộ LĐTB&XH đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ 60 và nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện theo lộ trình kể từ năm 2021.
Theo Điều 187 của BLLĐ quy định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường là 60 với nam và 55 với nữ. Tuy nhiên, câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, BLLĐ năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo Bộ LĐTB&XH, tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ Hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Bởi, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng – hưởng, thời gian đóng – hưởng, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Tính toán của Tổ chức lao động quốc tế, từ năm 2023, hai quỹ này sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, mà phải bắt đầu trích phần quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết, Nhà nước phải bố trí ngân sách để cấp bù. Do đó, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là phương án được tính đến để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.
Một lý do nữa, được Bộ LĐTB&XH đưa ra là tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,4 (năm 2016), trong đó nam 70,8 tuổi, nữ 76,1 tuổi. Trong khi, tuổi nghỉ hưu trung bình của nam là 54,2 và nữ là 52,6. Điều này đồng nghĩa thời gian hưởng lương hưu rất dài (16,6 năm trung bình với nam và 23,5 năm với nữ). Thực tế, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động. Do đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện được.
Hơn nữa, nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Như vậy, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nâng tuổi nghỉ hưu là cách để chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động. Đây là cách góp phần tận dụng dược nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động ngày càng cải thiện.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta cũng nên theo xu hướng này.
Trái ngược với quan điểm của Bộ LĐTB&XH, có nhiều ý kiến khác không đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu. Nhiều NLĐ muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi theo quy định hiện nay (nữ 55, nam 60) để hưởng lương hưu hàng tháng. Nếu họ làm việc thêm sau nghỉ hưu thì có 2 khoản thu nhập.
Trong những năm qua, tỉ lệ thất nghiệp trong thanh nên luôn cao hơn gấp 3 lần tỉ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Hơn nữa, nước ta đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và kéo dài trên 1 thập kỷ nữa. Không những thế, mô hình kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ thâm dụng lao động, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Vì thế, giải quyết việc làm cho lao động trẻ đang và sẽ là áp lực trong những năm tới, việc nâng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp.
Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không phù hợp với người làm trong các ngành nghề lao động chân tay. Hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 54,17 nhưng có những ngành nghề độc hại nguy hiểm chỉ 43.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, biểu hiện của “tham quyền cố vị”.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, nên Bộ LĐTB&XH dự kiến chính sách tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án. Phương án 1 (hiện hành), tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1/1/2021 và theo lộ trình). Theo đó, tuổi tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.