Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 lý do khiến OPEC và Nga có thể ngừng thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bloomberg vừa đưa ra 4 kịch bản có thể khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể dừng Thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu được thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay nhằm đảm bảo giá “vàng đen” ổn định hơn.

Giá dầu thế giới đã đạt mức cao nhất trong gần 3 năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, vẫn tiếp tục chương trình cắt giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu lên cao.
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, OPEC và Nga đã đồng ý mở rộng thỏa thuận đến hết năm 2018, song thỏa thuận này sẽ được xem xét lại trong cuộc họp tiếp theo của nhóm vào tháng 6 năm nay.
 Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih. 
Bloomberg đã đưa ra 4 kịch bản có thể khiến OPEC và Nga ngừng Thỏa thuận trên, nhằm đảm bảo giá dầu ổn định hơn.
Thứ nhất, căng thẳng do làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Iran và Venezuela gây ảnh hưởng cho nền kinh tế của 2 nước này, dẫn đến việc phải khơi thông khai thác dầu để ổn định giá cả.
Iran và Venezuela là hai thành viên quan trọng của OPEC nên sự thay đổi ở 2 nước này có thể tác động đến chính sách chung.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 ở OPEC và sản lượng 3,8 triệu thùng mỗi ngày của nước này chiếm hơn 4% lượng cung dầu trên toàn cầu, do đó các cuộc biểu tình chính trị ở nước này trong tuần vừa qua chắc chắn đang khiến thị trường chú ý.
Mặc dù các cuộc biểu tình đã không ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô và được cho là không có khả năng trực tiếp trừ khi nó dẫn đến những biến động chính trị lớn hơn trong nước, các nhà giao dịch dầu vẫn đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ ảnh hưởng bất ngờ nào.
Giới phân tích dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không xác nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran cuối tháng này.
Các nhà phân tích của JBC cho biết: "Ngoài các trọng tâm gần đây về các cuộc biểu tình trên đường phố, khả năng khôi phục lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran vẫn tiếp tục là một vấn đề.”
Venezuela, một thành viên khác của OPEC, đã giảm sản lượng xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm do khủng hoảng kinh tế leo thang, với một số nhà phân tích cho thấy sản lượng 1,9 triệu thùng/ngày của họ là nguy cơ nguồn cung lớn nhất trong năm 2018.
Thứ hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gặp áp lực từ bên trong nước này. Lãnh đạo một số tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Rosneft và Lukoil, phải đề nghị chính phủ rút sớm khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng, do nếu kéo dài quá lâu thì tình hình kinh doanh của các đơn vị này có thể gặp khó khăn, bất chấp giá dầu phục hồi.
Thứ ba, sự thiếu đồng thuận trong nội bộ của các thành viên OPEC cũng là thực tế khiến chương trình trên phải kết thúc sớm.
Thời điểm chương trình cắt giảm sản lượng bắt đầu, Iraq, một thành viên của OPEC, đã không đồng ý vì sợ ảnh hưởng nguồn thu. Và những tháng qua, 2 thành viên khác là Libya và Nigeria cũng đã thoái thác thực hiện thỏa thuận này.
Thứ tư, việc cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga đang khiến các nhà khai thác dầu đá phiến ở Mỹ tăng sản lượng, điều này khiến giá dầu không thể tăng vọt lên mức như OPEC và Nga mong muốn nên phải kết thúc sớm.
 Khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã dự báo sản lượng đá phiến của Mỹ sẽ tăng khoảng 780.000 thùng/ngày vào năm 2018, tăng gấp đôi so với 380.000 thùng/ngày vào năm ngoái.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ trong tuần này đã tăng lên 62 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm, yếu tố thuận lợi để các nhà khoan dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác.
Trong bối cảnh Mỹ tăng mạnh sản lượng khai thác dầu đá phiến, Commerzbank AG nhận định rằng phản ứng hợp lý của OPEC và Nga là sẽ sớm ngừng Thỏa thuận cắt giảm sản lượng.