4 người chết và mất tích do mưa lũ tại miền Trung

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ tối 30/11, tại các tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to. Thống kê chưa đầy đủ đến chiều 1/12, đã có ít nhất 1 người chết và 3 người hiện mất tích do mưa lũ.

Hiện mực nước trên các sông vẫn còn dâng cao, có khả năng lũ sẽ tiếp tục lên do mưa đang rất to.

Chịu hậu quả nặng nề nhất là tỉnh Bình Định. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lớn trong hai ngày 30/11 và 1/12 đã khiến 1 người chết, 2 người hiện đang mất tích. Chiều 1/12, nước sông Lại Giang lên cao khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt. Toàn tỉnh có khoảng 1.600 nhà dân và trên 3.000ha lúa mới gieo sạ bị ngập sâu, tập trung chủ yếu tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.

Nhiều tuyến đường giao thông chìm trong nước lũ khiến hàng ngàn hộ dân bị chia cắt… Theo ông Phú, đến chiều 1/12, trên địa bàn tỉnh, mưa vẫn khá nặng hạt và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Sở NN&PTNT tỉnh đang chỉ đạo các địa phương điều tiết hồ chứa, chủ động vận hành tiêu thoát nước chống úng ngập cho diện tích lúa mới cấy. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa lũ.

Tại Quảng Ngãi, trưa nay (1/12), mưa vẫn tiếp diễn. Nước trên các sông: Vệ, Trà Câu, Trà Bông, Trà Khúc đã lên mức báo động 2 - 3. Địa phương đã phải tổ chức di dời xen ghép khoảng 260 hộ dân các huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành tới nơi trú tránh an toàn. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến 1 người ở huyện Sơn Tịnh bị mất tích.

Bản tin phát đi chiều 1/12 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, đợt mưa tại miền Trung sẽ còn kéo dài tới hết ngày 3/12, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 300mm. Dự báo trong ngày mai (2/12), mực nước trên các sông thuộc Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên. Trước diễn biến mưa lũ, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có văn bản đề nghị các địa phương từ Quảng Nam đến Bình Định cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất vùng núi và ngập úng vùng trũng thấp. Chủ động điều tiết hồ chứa, các giải pháp tiêu úng, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân.