Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 tâm điểm để cải thiện nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả nghiên cứu thị trường mới đây của VietnamWorks – trang web tuyển dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay cho thấy, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo phân tích của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nếu sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung và cầu này tiếp diễn, Việt Nam sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành này. Các chuyên gia việc làm đã tính toán, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực ngành này (chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần). Bên cạnh đó, nghiên cứu của VietnamWorks cũng cho thấy, số lượng công ty tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng 124% trong vòng 4 năm. Điều này giải thích vì sao số lượng việc làm ngành CNTT luôn tăng nhanh, tỷ lệ nghịch với lượng nhân sự ngành này.

Trước bức tranh nhân lực này, ông Paul Espinas – Giám đốc Tiếp thị của VietnamWorks cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 4 điểm quan trọng để phát triển thị trường nhân lực và tuyển dụng ngành CNTT. Đầu tiên là trình độ ngoại ngữ, bởi hầu hết các công ty thuộc lĩnh vực này thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài. Điều này càng cấp thiết khi việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng đem lại một thị trường khách hàng lớn. Thứ hai là kỹ năng mềm - điểm yếu của nhân lực Việt Nam. Thứ ba là cập nhật về công nghệ nên được tích hợp vào giáo trình dạy CNTT trên toàn quốc. Một khảo sát gần đây của VietnamWorks cho thấy giới công nghệ Việt Nam đang quan tâm nhiều đến các khái niệm dữ liệu lớn, lập trình di động, công nghệ đột phá trong khởi nghiệp – những khái niệm đã phổ biến trên thế giới, nhưng giáo trình tại các trường dạy CNTT ở Việt Nam ít khi đề cập đến. Cuối cùng là cải thiện các chương trình đào tạo và huấn luyện cho nhân viên CNTT. Bằng việc đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhân viên, các công ty CNTT có thể tạo nên nguồn nhân lực chất lượng hơn, đồng thời gắn kết, khiến họ trung thành hơn với công ty.

Đúng như ông Paul Espinas nhận định: Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để các giới làm CNTT, cả đào tạo lẫn thực hành cùng vào cuộc, để cải thiện nguồn nhân lực cho thị trường tuyển dụng CNTT Việt Nam.