Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 27 tháng 01 năm 2015, tại Trung Tâm hội nghị Quốc gia, Công ty Vietnam Report, cùng Báo VietnamNet chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500- Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014 nhằm tôn vinh và ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh xuất sắc của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2014 vừa qua khi mà tốc độ tăng trưởng của Kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,96% và tỷ lệ lạm phát thấp, khoảng 4%, các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.
Theo thống kê của Vietnam Report, nếu so sánh với Bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ, thì năm nay có 08 Doanh nghiệp trong BXH VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào BXH này ( Trong BXH VNR500 năm 2013 , có 07 DN đủ tiêu chí doanh thu để lọt vào BXH Fortune 500 – 2013 của Hoa Kỳ.
Giá trị giao dịch của 31 thương vụ cổ phần hoá và dự án đề xuất của Việt Nam trong năm 2015 theo Corr Analytics. Nguồn: Sách trắng “Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015”, Corr Analytics và Vietnam Report xuất bản, tháng 1/2015
|
Cũng theo thống kê của Vietnam Report, thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN mặc dù được tập trung hơn cả trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản – xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong Bảng xếp hạng. Đây sẽ là một thử thách cho các nhà điều hành kinh tế, bởi rõ ràng nền kinh tế hiện nay vẫn bị phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững thì thời gian tới cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng của Việt Nam như ngành chế biến, chế tạo và công nghệ thông tin…
Đáng chú ý, trong BXH VNR500 năm nay có 41 doanh nghiệp lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô” (bao gồm các doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD), tương đương hơn 8% số doanh nghiệp VNR500, trong đó có 4 doanh nghiệp thuộc khối tư nhân trong nước.
Xét về số lượng, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đang chiếm phần đông trong toàn nền kinh tế và có xu hướng ngày một gia tăng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện tương xứng. Kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối doanh nghiệp này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các doanh nghiệp vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế. Đây cũng là một thách thức mới cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.
Nhân sự kiện lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 lần này, Vietnam Report đồng thời cũng công bố danh sách Top 50 doanh nghiệp xuất sắc năm 2014 – Top 50 Vietnam The Best 2014. Các doanh nghiệp có tên trong danh sách này là những đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình thông qua các chỉ tiêu: quy mô, lợi nhuận, có đóng góp nhiều nhất vào Ngân sách Nhà nước và có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2010-2013. Đồng thời, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Sách trắng song ngữ Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015. Đây là sản phẩm nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi Vietnam Report và đối tác chính là Công ty Tư vấn Corr Analytics, Hoa Kỳ.
Sách trắng giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa/ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014. Thêm vào đó, sách trắng đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến sẽ chạm mốc 150 tỷ USD. Các phân tích cũng dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3% trong năm 2015.
Sách trắng dự báo tính minh bạch sẽ tiếp tục được gia tăng đặc biệt ở cấp địa phương, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Loại bỏ các quy định không cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các hạn chế quyền sở hữu nước ngoài và bất kỳ sự mơ hồ còn tồn tại nào về chính sách của Chính phủ đối với việc thi hành phán quyết của trọng tài sẽ giúp ích cho cả nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam.
Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn các mực xếp hạng doanh nghiệp của quốc tế. Bảng xếp hạng là sự ghi nhận cũng như đánh giá khách quan kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được trong mỗi năm tài khóa. Được xây dựng dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune500- Hoa Kỳ, Bảng xếp hạng VNR500 đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chủ yếu là tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như: lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động, tài sản và uy tín truyền thông cũng được sử dụng như các nhân tố bổ sung góp phần tạo nên vị thế xứng tầm doanh nghiệp lớn. Bên cạnh Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân được Vietnam Report sử dụng là các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%. |