Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia là khi triển khai mạng 4G, các DN cần nghiêm túc cân nhắc công nghệ đã thực sự chín muồi chưa, không nên triển khai chỉ để làm thương hiệu!
Cân nhắc kỹ nhu cầu của thị trường
Công nghệ 3G phát triển chóng mặt ở Việt Nam khiến nhiều người mong chờ các nhà mạng sẽ đẩy nhanh việc triển khai mạng 4G. Tuy nhiên, ở góc nhìn của một số chuyên gia, việc đầu tư vào công nghệ nếu chọn không trúng thời điểm sẽ là sự lãng phí lớn cho các nhà mạng. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã phải trả giá khi đưa công nghệ vào không phù hợp với thời điểm hoặc lạc hậu (như CityPhone, CDMA2000…). Những công nghệ này phát triển trên thế giới một thời gian, song không kéo dài.
Trao đổi tại tọa đàm “Việt Nam tiến lên công nghệ 4G như thế nào?” mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đưa ra lưu ý, để triển khai một dịch vụ mới vào thị trường, đặc biệt tại Việt Nam, các nhà mạng cần xem xét kỹ trước hết là công nghệ đó chín muồi chưa, có tính phổ biến chưa? Nếu công nghệ không phổ biến, hoặc chưa chín muồi sẽ đi lại “vết xe đổ” của công nghệ CDMA2000, Calling, CityPhone... Hoặc độ chín muồi chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước đối với người dùng cao, không thu hút được số đông người dùng.
Bên cạnh đó là về băng tần, nếu thời điểm tốt, công nghệ tốt nhưng băng tần không phù hợp, nhà mạng cũng không phát triển được. Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch, sắp xếp băng tần cho phù hợp để các nhà mạng tiến lên 4G. Nhưng quan trọng hơn cả là để phát triển một công nghệ mới, nhà cung cấp phải xem xét kỹ nhu cầu thị trường. Các nhà mạng phải hiểu rõ đưa công nghệ 4G vào là để phục vụ cho ai, phục vụ cho đối tượng nào, khi tiến lên 4G cần xem xét về công nghệ, thị trường cung - cầu ra sao. Ông Thắng ví dụ, nếu triển khai 4G, kể cả 5G mà vẫn như kiểu 3G thì giống như trên đường từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh có đoạn là đường cao tốc, đoạn tỉnh lộ, tới một đoạn lại là huyện lộ... thì tốc độ chung vẫn như vậy. Triển khai 4G mà không đồng bộ sẽ không bao giờ đạt được tốc độ mong muốn. Các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng thực sự cho người dùng chứ không triển khai chỉ để làm thương hiệu. Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Phải làm thực sự chất lượng, đấy mới là điều quan trọng”.
Nhà mạng đã sẵn sàng?
Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đến thời điểm hiện nay, FPT, CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G mà chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT xin thử nghiệm. Là một trong 3 DN xin “tham chiến” thị trường 4G, đại diện của Viettel là ông Hồ Chí Dũng - Giám đốc công nghệ cho biết, đơn vị này sẽ rút kinh nghiệm từ việc triển khai 3G để đưa ra những dịch vụ tốt nhất dựa trên việc tiếp cận với trải nghiệm người dùng và các dịch vụ data mang tính sáng tạo cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Long - Phó Tổng Giám đốc VNPT-NET cũng khẳng định, công nghệ 4G đã chín muồi và đơn vị này đang đợi giấy phép thử nghiệm để cung cấp dịch vụ ra thị trường. Theo ông Long, VNPT không thử nghiệm về công nghệ mà thử nghiệm về thương mại, trải nghiệm và phản hồi từ người dùng. Trước đó, ông Đỗ Minh Phương - Phó Tổng Giám đốc Viettel cho hay, nhà mạng này sẽ xin phép Bộ TT&TT cho tiến hành thử nghiệm 4G có thu phí. Viettel dự kiến triển khai thử nghiệm 4G vào tháng 10/2015. Mạng 4G trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, TP. Đến cuối năm 2015, chậm nhất là quý I/2016, Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên toàn quốc. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Như vậy, có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel sẽ phải đổi SIM mới có thể dùng được. Còn theo ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc VNPT, VNPT sẽ triển khai 4G rất nhanh chóng; hướng tới mục tiêu hội tụ dịch vụ với công nghệ này để cung cấp cho khách hàng chất lượng đường truyền cao nhất, giá tốt nhất. Đồng thời cho biết, nếu chuyển từ 2G lên 3G là từ thoại lên dữ liệu nên phải làm vùng phủ lại, thì chuyển từ 3G lên 4G lại là tăng cường chất lượng cho khách hàng đáp ứng nhu cầu dữ liệu lớn hơn. Vì vậy, VNPT sẽ quy hoạch lại mạng để triển khai 4G tốt nhất. Ông Long khẳng định, chắc chắn VNPT sẽ triển khai 4G rất nhanh. Mục tiêu của VNPT là sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ hội tụ với giá trị tốt nhất...
Sẽ cấp phép cho doanh nghiệp thử nghiệm tốt
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng phòng Cấp phép quy hoạch (Cục Viễn thông) khẳng định, Bộ TT&TT sẽ cho phép mỗi DN triển khai tối đa tại 3 tỉnh, TP trên toàn quốc, thử nghiệm trên băng tần 1800, 2300, 2600. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm sẽ xem xét khả năng cung cấp dịch vụ 4G có thể trong năm 2016 hoặc năm 2017. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ sẽ chính thức cấp phép cho các DN viễn thông theo đúng quy định.
Tuy nhiên, góp ý ở góc độ một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực viễn thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước không nên can thiệp về công nghệ. Cũng theo ông Trực, đến giờ mới cấp phép 4G là chậm, nhiều nước cấp phép 2 - 3 năm sau đó DN chuẩn bị trước mọi yếu tố để triển khai 4G. Còn các DN viễn thông đến nay vẫn chưa biết có được cấp phép hay không nên không dám đầu tư. “Nếu có băng tần rồi thì sớm cấp phép 4G để DN chuẩn bị, chứ không nên đợi đến năm 2016. Cái này chúng ta đã chuẩn bị nhiều năm rồi. Không khéo chờ rồi 5G đến, chúng ta lại ngồi chờ tiếp” - ông Trực băn khoăn.
Khách hàng đăng ký dịch vụ di động tại một điểm giao dịch của Viettel. Ảnh: Trần Dũng
|
Bên cạnh yếu tố thiết bị đầu cuối rẻ, để triển khai 4G thành công thì cần phải có hệ sinh thái, nội dung đủ mạnh. Nếu như 2G, hệ sinh thái là gọi và SMS, 3G là truy cập internet thì 4G phải là media.
Ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc VTV Digital
Chúng ta phải triển khai kịp thời, đúng lúc và không được chậm, nhưng cũng không nên quá vội, chính cơ quan quản lý phải kết hợp với DN, người dùng quyết định thời điểm phát triển 4G. Ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT
Mặc dù Việt Nam triển khai chậm hơn một số nước, nhưng có lợi thế: Hưởng lợi công nghệ mới nhất của 4G. Qualcomm cam kết hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà mạng, nhà cung cấp nội dung tại Việt Nam để triển khai 4G. Ông Mantosh Malhotra - Giám đốc điều hành Qualcomm Đông Nam Á
|