Kinhtedothi - Nhằm đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với cát san lấp tại các mỏ cát thuộc bãi nổi lòng sông Hồng làm căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khai thác cát san lấp theo quy định của pháp luật, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2016.
Các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2016 gồm 5 khu vực nằm trong Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 bao gồm: Bãi nổi sông Hồng, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, dự kiến 5,4ha; Lô 1, Bãi nổi sông Hồng, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, dự kiến, 25ha; Lô 2, Bãi nổi sông Hồng, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, dự kiến: 25ha; Lô 3, Bãi nổi sông Hồng, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, dự kiến: 16,5ha; Xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, dự kiến 24,6ha.
Ảnh minh họa
|
Theo yêu cầu của UBND TP, các khu vực khoáng sản được lựa chọn đưa ra đấu giá phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được UBND TP phê duyệt. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu giá theo quy định.
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ cụ thể cho từng khu vực, bao gồm: Đo đạc xác định vị trí, diện tích, đánh giá tiềm năng khoáng sản; xây dựng quy chế đấu giá, xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước cho từng mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá....
Ngoài ra, UBND các huyện Ba Vì, Đan Phượng và Sóc Sơn tổ chức chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ mặt bằng, mốc giới khu đấu giá, đảm bảo nguyên trạng để bàn giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản....
Nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 12 đơn vị khai thác đá, còn lại là các đơn vị khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng.
Từ thực tế kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội chủ yếu dưới hình thức hút cát từ lòng sông đưa lên tàu vận chuyển tới bãi chứa ven bờ. Do đó, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, vi phạm an toàn giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật về khoáng sản mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè cũng như gây ô nhiễm môi trường khu vực.
Do đó, việc ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND của TP nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn, đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.