5 năm sau ngày bỏ phiếu Brexit

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 5 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý để Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau hơn 4 thập kỷ là thành viên.

Thời gian và bối cảnh đại dịch lúc này đã cho thấy những kết quả của Brexit giai đoạn sơ khai, cũng làm sáng tỏ góc nhìn của số đông người Anh đã và đang ủng hộ “vụ ly hôn thế kỷ”.
Một nước Anh độc lập để “toàn cầu” hơn

Ngày 23/6/2016, 51,9% số người Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đẩy quốc gia vào một quá trình chuyển đổi kéo dài trước khi chính thức rút khỏi EU vào ngày cuối cùng của tháng 1/2020. Phát biểu trong tuần này, Thủ tướng Boris Johnson - đời lãnh đạo thứ 3 tại Số 10 phố Downing kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 - cho thấy hứa hẹn về “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) vẫn đang được tiến hành. “5 năm trước, người dân Anh đã đưa ra quyết định quan trọng là rời EU và nắm lại quyền kiểm soát vận mệnh của chúng ta” - ông Jonhson nói hôm 23/6 vừa qua, “giờ đây, khi phục hồi sau đại dịch này, chúng ta sẽ nắm bắt tiềm năng thực sự của chủ quyền đã giành lại được để đoàn kết và nâng cấp toàn Vương quốc Anh… Với việc kiểm soát đối với các quy định và trợ cấp, đồng thời tự do thúc đẩy đầu tư mới, chúng ta sẽ thúc đẩy việc làm và sự đổi mới trên khắp mọi miền đất nước”.

Kể từ Hội nghị Đảng Bảo thủ năm 2016, “Nước Anh toàn cầu” trở thành khẩu hiệu được London lặp đi lặp lại về chính sách đối ngoại hậu Brexit, báo hiệu rằng đất nước sẽ không hướng nội sau khi rời EU, mà ngược lại sẽ cởi mở hơn nhờ khả năng hành động độc lập, cho một triển vọng vươn ra toàn cầu.
 Lá cờ của Vương quốc Anh được dỡ bỏ khỏi trụ sở Hội đồng châu Âu ở Brussels vào ngày 31/1/2020. Ảnh: AFP
Không chỉ ca ngợi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà Chính phủ đã đạt được với EU, Thủ tướng Johnson hôm 23/6 nhấn mạnh về hàng loạt hiệp định thương mại tự do mới của Anh, hiện ước tính chiếm 65% tổng thương mại quốc tế nước này. Anh mới đây cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng để trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho tham vọng gia nhập khu vực thương mại trị giá 9 nghìn tỷ USD đầy hứa hẹn.

Bộ Thương mại Quốc tế vừa qua công bố, Anh hiện là “số 1 ở châu Âu và số 2 trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Nguồn vốn FDI của Anh được cho đã tăng lên 2,2 nghìn tỷ bảng Anh vào năm 2020, giúp củng cố vị trí là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là trung tâm toàn cầu lớn về dịch vụ tài chính. Chỉ số xếp hạng hệ sinh thái fintech của hơn 264 thành phố trên 83 quốc gia mới đây cũng chỉ ra, London là thành phố thúc đẩy tài chính công nghệ mạnh mẽ nhất tại châu Âu, và chỉ sau San Francisco (Mỹ) trên thế giới. Trong khi các trường đại học của Anh thu hút nhiều sinh viên quốc tế thứ 2 thế giới, xếp sau Mỹ.

Nói về sự độc lập của London, chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 là một ví dụ điển hình. Không còn phụ thuộc vào các quy định khắt khe của EU, Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 cho tiêm chủng đại trà từ cuối năm ngoái, đồng thời nhanh chóng mở rộng quy mô mua sắm và sản xuất vaccine. Với khoảng 75 triệu liều vaccine đã được sử dụng cho đến lúc này, Vương quốc Anh được đánh giá là một trong những quốc gia có chiến lược tiêm chủng thành công của thế giới.

Một quyết định không xuất phát từ kinh tế?

Tuy nhiên, chính những số liệu “biết nói” về nước Anh kể từ cuộc bỏ phiếu năm 2016 đang đặt ra câu hỏi, phải chăng lợi ích kinh tế duy nhất của quyết định rời khỏi EU cũng chỉ là Anh được tự do giao dịch với toàn thế giới? Các số liệu gần đây của Chính phủ Anh cho thấy, thương mại với đối tác lớn nhất là EU đã giảm 23% kể từ tháng 1/2020. Trong khi một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 của các chuyên gia tại Đại học Birmingham's Aston cho thấy Brexit đã làm giảm xuất khẩu dịch vụ của Anh khoảng 128 tỷ euro trong khoảng thời gian 4 năm. Dữ liệu thống kê của Bloomberg thì chỉ ra, thương mại quốc tế của Anh giảm 14% kể từ năm 2018, khi tổng thương mại thế giới giảm 8%.
Cũng theo Bloomberg, DN Anh đang dần tỏ ra kém cạnh tranh hơn. Doanh số bán hàng trên mỗi nhân viên của các công ty Anh - một thước đo năng suất - đạt tổng cộng 2,4 triệu USD, đứng thứ 6 trong số 20 quốc gia Tây Âu vào năm 2015, cao hơn 13% so với mức trung bình của khu vực. Nhưng trong năm gần đây nhất, doanh thu trên mỗi nhân viên đã giảm xuống còn 1,3 triệu USD, tụt xuống vị trí thứ 12.

Việc đồng bảng Anh giảm giá 6,3% so với đồng USD kể từ cuộc trưng cầu dân ý đã khiến đồng bảng trở thành “kẻ ốm yếu” trong số các đồng tiền chính.
Tháng Giêng năm nay, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey từng cảnh báo Hạ viện rằng GDP quốc gia sẽ sụt giảm 4% trong những năm tới, so với mức mà quốc gia này có thể đạt được nếu vẫn ở trong EU. Một khảo sát của Bloomberg với 18 nhà kinh tế học cho thấy, kể cả khi các dự báo hồi phục từ đại dịch cho năm 2021 và 2022 là đúng, tăng trưởng GDP của Anh vào năm 2023 vẫn sẽ chậm chạp ở mức 1,8%.
Và để so sánh, tăng trưởng GDP của Hy Lạp - quốc gia tránh từ chối đồng euro, đã phục hồi đáng kể sau cuộc khủng hoảng nợ - được dự báo sẽ vượt mức 4,4% vào năm 2022 và tiếp tục vượt trội hơn vào năm 2023. Tổng thương mại giữa Hy Lạp và EU tăng 16% kể từ năm 2018.

Khi nhiều năm trôi qua, các nhà kinh tế học dường như dễ dàng hơn trong việc phân tích và đánh giá rằng Brexit sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực ra sao đối với nền kinh tế Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bất kể dữ liệu tương lai đó cho thấy điều gì, nó có thể không tạo ra nhiều khác biệt đối với những người đã bỏ phiếu chọn rời đi. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây, về việc người Anh lúc này quyết định ra sao về tư cách thành viên EU nếu một cuộc trưng cầu dân ý khác được tổ chức, vẫn cho thấy một sự chênh lệch sít sao. Theo kết quả thăm dò của YouGov vào tháng 5/2021, 45% người Anh cảm thấy Anh đúng khi rời đi, so với 44% cảm thấy sai.

Đảng Bảo thủ cầm quyền, có nhiều tiếng nói trong Nội các Anh, vẫn được cử tri yêu thích. Hơn hết, những thông điệp về “chủ quyền” và “kiểm soát” vẫn thường xuyên xuất hiện để khuấy động cảm xúc của những người ủng hộ Brexit, thay vì các số liệu về xuất, nhập khẩu với EU. Để thấy, đối với hàng triệu người Anh, quyết định rời liên minh sau 43 năm gắn bó dường như không xuất phát từ mục tiêu kinh tế, hay kinh tế chỉ là một mối quan tâm bên lề khi họ nói về Brexit.
Kể từ Hội nghị Đảng Bảo thủ năm 2016, “Nước Anh toàn cầu” trở thành khẩu hiệu được London lặp đi lặp lại về chính sách đối ngoại hậu Brexit, báo hiệu rằng đất nước sẽ không hướng nội sau khi rời EU, mà ngược lại sẽ cởi mở hơn nhờ khả năng hành động độc lập, cho một triển vọng vươn ra toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần