5 nhóm giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng với trọng tâm đặt yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển và được lồng ghép vào trong các chính sách và hệ thống chiến lược, quy hoạch. Thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu của hệ thống xã hội và tự nhiên, tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại và bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua những đợt hạn hán liên tiếp trong thời gian vừa qua. Ảnh: Internet 
Mục tiêu chung của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Theo đó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu là một những nội dung trọng yếu của Quyết định. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp.
Một là, nâng cao năng lực giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan;
Hai là, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai;
Ba là, cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai; thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai;
Bốn là, triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất;
Năm là, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được phân kỳ theo theo các giai đoạn: 2021 - 2025, 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị cơ sở pháp lý và điều kiện kỹ thuật nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch; triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.
Nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của biến đổi khí hậu. Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ các rủi ro do biến đổi khí hậu và hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2050: Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050 sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người, cơ sở hạ tầng và các hệ thống tự nhiên, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an toàn trước thiên tai.
Thực hiện lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần