Thông tin tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện, tổng đàn chó mèo trên địa bàn TP khoảng 423.000 con. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn chó mèo được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ người tử vong do bệnh trên chó, mèo, mà chủ yếu là bệnh dại vẫn còn. Thống kê từ năm 2011 đến nay, số người chết do bệnh dại trên chó, mèo là 17 người. Xa hơn, trong giai đoạn từ 2006 đến nay, tổng số người tử vong do bệnh dại trên chó, mèo lên tới 56 trường hợp. Hàng năm, khoảng 8.000 người phải đi tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế.
Minh họa. Nguồn Internet |
Tại hội thảo, một số khó khăn trong công tác quản lý và phòng bệnh trên vật nuôi đã được các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ trạm thú y các địa phương về dự chia sẻ. Trong đó, nổi cộm là vấn đề quản lý vật nuôi hiện còn rất lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mực, nhất là ở vùng nông thôn. Tình trạng chó thả rông còn rất phổ biến, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Tâm lý chủ quan của người dân khi chỉ mới tập trung vào phòng chống bệnh dại, trong khi bệnh trên vật nuôi rất đa dạng và hiểm họa cũng rất khôn lường. Đặc biệt, hiện nay Nhà nước vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các chủ hộ có vật nuôi gây hại...
Liên quan tới giải pháp nhằm quản lý và phòng chống hiệu quả bệnh trên vật nuôi, nhiều chuyên gia, nhầ quản lý cho rằng: Cần làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin trên vật nuôi. Tăng cường nghiên cứu dịch tễ trên đàn vật nuôi và công tác truyền thông, giáo dục. Bên cạnh đó là đẩy mạnh đăng ký và giám sát đàn vật nuôi. Đối với Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, sẽ tiến tới xây dựng thí điểm vùng an toàn bệnh dại tại 5 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Cầu Giấy. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.