Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 giải pháp thực hiện tốt thi đua an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 16/3, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thay mặt lãnh đạo TP chính thức phát động phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát động phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, được sử dụng thực phẩm an toàn đang là một đòi hỏi bức thiết của mỗi chúng ta. Sử dụng thực phẩm không an toàn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mọi người, mà quan trọng hơn, còn ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế thương mại, du lịch và an sinh xã hội, đặc biệt sẽ làm giảm lòng tin của Nhân dân đến trách nhiệm và hiệu quả quản lý của Nhà nước, của các cấp chính quyền.

Trước tình trạng hàng giả hàng nhái trên thị trường, các loại vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu bị làm giả; việc sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp, trong việc bảo quản các loại thực phẩm tươi sống đã khiến người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng cảm thấy lo ngại, cảm thấy bất an. Trong thời gian vừa qua, cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bước đầu đã có những tiến bộ trong công tác quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

“Vì vậy, để nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh ATTP trong thời gian tới, thay mặt cho lãnh đạo TP Hà Nội, tôi chính thức phát động phong trào thi đua “An toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn TP”, Chủ tịch UBND TP nói và nhấn mạnh: Để đạt được các yêu cầu đặt ra, TP sẽ tập trung quyết liệt thực hiện tốt một số nội dung nhiệm vụ chủ yếu.

Thứ nhất, sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự kiểm tra giám sát của HĐND, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, kết hợp với phát huy tính tích cực của mỗi người dân Thủ đô tham gia công tác đảm bảo ATTP.

Thứ hai, thường xuyên đổi mới và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông nhằm thay đổi hành vi người sử dụng thực phẩm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người sản xuất kinh doanh về ATTP.

Thứ ba, tiếp tục triển khai và nhân rộng trong toàn TP các mô hình quản lý ATTP tiên tiến như: Áp dụng các mô hình thực hành sản xuất tốt trong sản xuất rau quả, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm; xúc tiến các hoạt động chứng nhận, hoàn thiện áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt trong rau quả và chăn nuôi gia súc gia cầm…

Thứ tư, duy trì cam kết “đảm bảo ATTP vì trách nhiệm cộng đồng đạt sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng là tôn chỉ hoạt động trong sản xuất kinh doanh”, đi đầu trong việc áp dụng các quy trình tiên tiến và cải tiến thích hợp nhằm nâng cao cải thiện chất lượng ATTP, đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP, phát huy vai trò của các DN, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia đảm bảo chất lượng ATTP.

Thứ năm, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, như thành lập các trung tâm vệ sinh ATTP tại các quận, huyện, thị xã; củng cố kiện toàn các cơ quan kiểm tra Nhà nước về ATTP và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về ATTP tham gia kiểm định, giám định chất lượng hàng hóa.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm những cơ sở, các hộ kinh doanh, các loại vật tư nông nghiệp giả, các loại chất cấm sử dụng làm phụ gia trong chăn nuôi trồng trọt, ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh thức phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm các quy định ghi nhãn hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP…

“Phát huy thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn những năm qua, chúng ta có thể tin tưởng với sự nỗ lực phấn đấu và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội, phong trào thi đua ATTP trên địa bàn TP Hà Nội nhất định sẽ đạt nhiều thành công mới trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Sau lời phát động của người đứng đầu chính quyền TP, 7 đồng chí đại diện cho các quận, huyện, sở, ngành, Ban Thi đua Khen thưởng TP, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng TP, doanh nghiệp trên địa bàn TP đã ký cam kết thực hiện phong trào thi đua “An toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP”, nhằm triển khai Kế hoạch số 59 do UBND TP vừa ban hành ngày 16/3/2016 về việc tổ chức phong trào thi đua “An toàn thực phẩm trên đia bàn TP giai đoạn 2016-2020”.

Kế hoạch này tập trung đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đối với các cấp, các ngành của TP để thực hiện và các nội dung, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng ATTP giai đoạn 2016-2020. Trong đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về yêu cầu đảm bảo ATTP hiện nay, coi đó vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, là nhiệm vụ cấp bách đặc biệt quan trọng, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trong quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành sơ kết, biểu dương, khen thưởng và suy tôn kịp thời các điển hình tốt trong đảm bảo ATTP trên địa bàn TP, rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện các năm tiếp theo.