Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (26/10), TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án 6 cán bộ ngành đường sắt lợi...

Kinhtedothi - Sáng nay (26/10), TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án 6 cán bộ ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận "lót tay" 11 tỷ đồng, xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (viết tắt là RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự, gồm: Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc BQL các dự án đường sắt (RPMU) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU), Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).

8h50: Trong phiên xét xử sáng nay, ông Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự được phân công ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

Sau khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Trương Việt Toàn bắt đầu phiên tòa với phần kiểm tra căn cước các bị cáo và các đương sự liên quan.

9h: Sau khi phần thủ tục kết thúc, phiên tòa bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Mở đầu phần xét hỏi, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.

Theo cáo trạng truy tố, năm 2008, Bộ GTVT có Quyết định về việc phê duyệt Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giao nhiệm vụ đại diện Chủ đầu tư quản lý dự án này cho Ban quản lý các Dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). Đầu năm 2009, RPMU có Quyết định thành lập Tổ dự án tuyến số 1 do Phạm Hải Bằng - Phó Giám đốc RPMU - làm Chủ nhiệm dự án; Nguyễn Nam Thái - Phó Trưởng phòng Dự án - làm chuyên viên kỹ thuật dự án.

 
6 quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù - Ảnh 1
Các bị cáo tại phiên tòa
Ngày 9/9/2009, VNR ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 01 với Liên danh JKT do JTC đứng đầu. Sau khi hợp đồng được ký kết, JKT bắt đầu triển khai công việc từ 1/10/2009. Do tăng khối lượng công việc thiết kế cơ bản và thiết kế kỹ thuật, nhà thầu JKT đã nghiên cứu đề xuất thay đổi một số thông số và nội dung của dự án để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Hợp đồng điều chỉnh giá trị hợp đồng tư vấn được ký sau đó đã tăng so với giá hợp đồng gốc 7,68% (tương đương hơn 700 triệu Yên Nhật và gần 85 tỷ đồng Việt Nam).

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng với tư cách Giám đốc RPMU nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án, đã được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng. Số tiền này, các bị can sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ. Ngoài ra, các bị can còn sử dụng chi hỗ trợ Phòng 3 đi nghỉ mát, hỗ trợ hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ… để vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân.

Việc nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng cho RPMU đã bị các cơ quan tố tụng Nhật Bản khởi tố, xử lý về hành vi vi phạm Luật cạnh tranh không công bằng và kiến nghị Việt Nam xác minh làm rõ hành vi của các cán bộ RPMU.

Cáo trạng xác định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái để sử dụng đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.
6 quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù - Ảnh 2

Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử.

 
Các bị can Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái, đồng tình để sự việc diễn ra trong thời gian dài tại RPMU.

9h50: HĐXX bắt đầu phần xét hỏi đối với bị cáo Phạm Hải Bằng.

Theo HĐXX, với vai trò là chủ nhiệm Dự án tuyến số 1, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái nhiều lần nhận tiền của JTC. Số tiền nhận được bằng Yên Nhật, các bị can đã đổi sang tiền Việt Nam đồng được 11 tỷ đồng. Trong số đó, Bằng quản lý sử dụng 4,8 tỷ đồng; Nguyễn Nam Thái quản lý, sử dụng 3,4 tỷ đồng... Trả lời câu hỏi này, bị cáo Phạm Hải Bằng khẳng định, số tiền này đã chi hết vào việc tiếp khách, đối ngoại nhưng do không ghi chép nên Bằng không nhớ đã chi những khoản nào. Việc sử dụng 11 tỷ đồng của JTC các bị can không mở sổ sách theo dõi, không báo cáo ai tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Qua các thời kỳ giám đốc RPMU, Phạm Hải Bằng có báo cáo với Trần Văn Lục (làm Giám đốc từ năm 1999 đến tháng 9/2009); Trần Quốc Đông (làm giám đốc từ 10/2009 - 5/2011) và Nguyễn Văn Hiếu (làm giám đốc từ tháng 6/2011 đến khi khởi tố vụ án). Tuy nhiên các bị can Lục, Đông, Hiếu không có chỉ đạo gì để chấm dứt việc sử dụng trái phép các khoản tiền từ JTC và để mặc cho Bằng, Thái nhận tiền, sử dụng trong thời gian dài.

Theo bị cáo Phạm Hải Bằng, tuyến đường sắt đô thị dài 28km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 khoảng 320 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được triển khai, có những khó khăn và có những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổng Công ty đường sắt nên phải báo cáo cấp trên. Chính vì vậy phát sinh phụ lục hợp đồng 01, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8%  (tương ứng với hơn 84 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc: Tại sao trong hợp đồng không đưa ra các tiên lượng về những khó khăn và Tại sao lại lấy tiền ngoài hợp đồng của nhà thầu? Bị cáo Bằng đáp, do đã có trong hợp đồng, còn lấy tiền ngoài hợp đồng do bị cáo Duy thực hiện.

Khi bị cáo Bằng phủ nhận vai trò trong việc đặt vấn đề đề nghị JTC hỗ trợ tiền, HĐXX đã công bố tài liệu điều tra cho thấy, bị cáo là người trực tiếp nhận tiền. Khoảng 11 tỷ đồng được chi tiêu không lưu sổ sách kế toán. Đối với việc này, bị cáo Bằng cho rằng, đây là khoản lẽ ra JTC phải chi nhưng Ban quản lý đã chi hộ cho họ.

10h45, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác để làm rõ việc nhận và chi số tiền 11 tỉ đồng trái quy định pháp luật trên.

Tổng số tiền 5 tỷ đồng trong tổng số 11 tỷ đồng, Bằng thừa nhận chịu trách nhiệm chi tiêu, còn chi tiêu thế nào, Bằng không nhớ chính xác. Bị cáo Bằng một mực phủ nhận và cho rằng không đề nghị phía đối tác đưa tiền.

Trả lời HĐXX về khoản tiền 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng, bị cáo Bằng cho rằng, khoản này đáng lẽ ra phía liên doanh tư vấn phải dùng để thực hiện các khoản cho hội nghị, hội thảo… nhưng do họ không nắm được thủ tục nên trong quá trình thực hiện, RPMU đã thay mặt liên doanh tư vấn thực hiện các khoản chi tiêu này.

Đối với việc chuyển tiền cho các lãnh đạo Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu, Bằng khai nhận, đã chuyển 100 triệu đồng cho Lục để cảm ơn và thời điểm chuyển là vào dịp Tết năm 2010 khi bị cáo Lục đã chuyển công tác.

Đối chất về vấn đề này tại phiên tòa, bị cáo Lục cho biết, Bằng không thông báo cho bị cáo biết việc nhận tiền từ JTC. Vào dịp Tết 2010, Bằng có mang túi quà đến nhà bị cáo Lục nhưng cũng không nói gì. Đến sau Tết, khi kiểm tra túi quà bị cáo mới biết có 100 triệu đồng…

Ngoài chuyển tiền cho bị cáo Lục, Bằng còn chuyển tiền cho bị cáo Trần Quốc Đông 2 lần với tổng số tiền 30 triệu đồng. Và theo Bằng, đây cũng là món quà gửi lãnh đạo và dịp Tết. Lý giải về việc này, Trần Quốc Đông cho rằng, khi nhận số quà biếu là tiền trên bị cáo đã không suy nghĩ sâu sắc nên đã không biết nguồn tiền bất chính mà Bằng làm quà biếu ngày tết là tiền bất chính từ JTC.

Bằng còn khai nhận, có đưa cho Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng, nhưng tại tòa, bị cáo Hiếu đã phủ nhận.

Cũng tại phiên tòa, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn hai bị cáo Nguyễn Nam Thái và bị cáo Phạm Quang Duy. Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Thái cho biết chỉ nhận tiền gián tiếp của JTC từ Bằng. Còn bị cáo Duy lại khẳng định, nhận một lần trực tiếp từ phía đối tác Nhật Bản số tiền 3 triệu Yên sau đó đem đổi sang tiền VNĐ để tổ chức lễ ký kết hợp đồng. Chi phí chung của số tiền ngoài hợp đồng này được dùng cho chi phí của ban quản lý dự án, nghỉ mát, chi phí cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

14h20: Trong phiên xét xử buổi chiều, các Luật sư bắt đầu tham gia phần thẩm vấn các bị cáo.

Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng mình không làm sai với những văn bản mà bị cáo được giao nhiệm vụ. Bị cáo Phạm Quang Duy thì cho rằng mình thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm khi được Bằng giao việc.
6 quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù - Ảnh 3

Còn bị cáo Trần Văn Lục khẳng định, việc tổ chức lễ ký kết hợp đồng bị cáo có tham gia, tuy nhiên nguồn tiền để tổ chức thì bị cáo không biết. Đối với việc tổ chức buổi lễ ký kết hợp đồng, bị cáo Lục cho biết, có làm văn bản gửi Tổng cục Đường sắt Việt Nam và được sự đồng ý. Hai bên có sự phối hợp tổ chức và bên nhà thầu chịu chi phí. Liên quan đến số tiền 11 tỷ đồng “bôi trơn”, bị cáo cho rằng chỉ liên quan đến số tiền tổ chức ký hợp đồng là khoảng 3 triệu Yên Nhật. Những khoản tiền còn lại, bị cáo không biết vì khi đó không còn làm việc tại RPMU.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Bằng cho biết, chi phí tổ chức hội họp, lễ ký kết hợp đồng đều nằm trong hợp đồng ký kết giữa hai bên và chi phí này do bên liên doanh tư vấn trả, còn phía Việt Nam được nhờ hỗ trợ trong việc sử dụng các chi phí. Cũng theo bị cáo Bằng, việc hai bị cáo Duy và Thái đi nhận tiền đều phải được sự đồng ý của Bằng. Việc Duy và Thái giữ tiền, hay chi tiêu phải có sự đồng ý của Bằng.

Về vấn đề này, bị cáo Nguyễn Nam Thái cho biết, bị cáo có quản lý số tiền 3,4 tỷ đồng trong tổng số 11 tỷ ngoài hợp đồng. Trong quá trình chi tiêu, Thái có theo dõi trên máy tính và sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu với Bằng thì Thái lại xóa các file này đi.

15h15: Tòa kết thúc phần thẩm vấn và chuyển sang phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS đã đưa ra quan điểm đối với vụ án. Theo nhận định của vị đại diện VKS, cáo trạng truy tố cáo bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Cụ thể:

Đối với bị cáo Phạm Hải Bằng, VKS khẳng định, đã làm trái quy định được giao để nhằm hưởng lợi số tiền 11 tỷ đồng. Bị cáo phạm tội tích cực, đứng ra đàm phán để hưởng lợi và bản thân bị cáo giữ vai trò chính.

Đối với bị cáo Phạm Quang Duy - nguyên là một điều phối viên nhưng khi được Bằng chỉ đạo, biết rõ Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC nhưng bị cáo đã hưởng ứng. Bị cáo đã nhận trực tiếp một lần từ đối tác Nhật Bản và nhiều lần nhận tiền từ Bằng. Bản thân bị cáo Duy cũng hưởng lợi hơn 35 triệu đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Nam Thái, cũng nhiều lần nhận tiền từ Phạm Bằng và JTC với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Số tiền này được đưa vào sử dụng tổ chức hội thảo, hội họp…

Đối với bị cáo Trần Văn Lục, được Bằng báo cáo JTC hỗ trợ tiền để tổ chức lễ ký kết hợp đồng nhưng bị cáo vẫn bỏ mặc nên đã dẫn đến hậu quả như hôm nay và bản thân bị cáo cũng đã hưởng lợi 100 triệu đồng.

Đối với Trần Quốc Đông, cũng biết việc chi tiền có nguồn gốc từ JTC cho việc đưa hỗ trợ nhân viên của RPMU đi nghỉ mát. Bản thân Đông được hưởng lợi 30 triệu đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao bỏ qua nhiều quy trình quy định theo pháp luật để giải ngân cho nhà thầu. Bản thân bị cáo được hưởng lợi 50 triệu đồng.

Từ những nhận định này, vị đại diện VKS đã đưa ra đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng bị đề nghị từ 11-13 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Nam Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam, bị cáo Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam, bị cáo Trần Văn Lục bị đề nghị mức án từ 6-8 năm tù giam, bị cáo Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam và bị cáo Nguyễn Văn Hiếu bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam.

Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải bồi hoàn số tiền 11 tỷ đồng.

Ngày mai (27/10), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của 8 vị luật sư tham gia tố tụng cho các bị cáo.

Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục cập nhật phiên tòa xét xử này.