Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, những báo cáo từng đưa ra thông tin đáng ngạc nhiên không kém trước đó là, nhóm những người giàu nhất chiếm 1% dân số thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn 99% còn lại.
Bất bình đẳng giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.
|
Theo Oxfam, tài sản của 50% những người thuộc nhóm nghèo nhất thế giới đã giảm khoảng 41% từ 2010 tới 2015, bất chấp việc dân số toàn cầu tăng lên khoảng 400 triệu giai đoạn này. Cùng thời gian, tài sản của 62 tỷ phú lớn nhất thế giới tăng 500 tỷ USD lên 1,76 ngàn tỷ USD.
Tổ chức từ thiện cũng cho biết, trong năm 2010, 388 người giàu nhất thế giới sở hữu lượng tài sản bằng 50% số lượng những người nghèo nhất. Tuy nhiên con số này đã giảm xuống còn 80 trong năm 2014 và tới nay còn 62.
Một báo cáo năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng tiết lộ, dù tình trạng đói nghèo trên thế giới đã giảm gần nửa trong thập kỷ qua, 71% dân số vẫn sống trong tình trạng thu nhập thấp hoặc nghèo khổ.
Oxfam cũng đưa 3 cách giải quyết cuộc khủng hoảng này bao gồm: ngăn chặn việc trốn thuế; tăng cường đầu tư dịch vụ công và tăng lương cho người thu nhập thấp.
Theo đó, tổ chức này kêu gọi các quốc gia phá các "thiên đường thuế" - nơi người giàu cất giấu khoảng 7.600 tỷ USD. Ngoài ra, Oxfam cũng cho biết cần tăng lương nhân viên, bảo vệ quyền lập công đoàn của công nhân, chấm dứt bất bình đẳng giới trong trả lương và quyền thừa kế, giảm quyền lực của các DN lớn, giảm gánh nặng thuế với người lao động và sử dụng ngân sách để thu hẹp bất bình đẳng thu nhập.
Giám đốc điều hành Oxfam, ông Mark Goldring thúc giục: “Những nhà lãnh đạo thế giới cần lo ngại việc khủng hoảng bất bình đẳng thu nhập chưa nhận được những biện pháp đối phó thích đáng. Trong một thế giới mà mỗi 9 người thì có 1 người phải chịu đói đi ngủ mỗi đêm, chúng ta không thể tiếp tục đưa cho giới giàu có miếng bánh to hơn”.