Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến được nhiều DN và ngân hàng chia sẻ tại diễn đàn Hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa (NVV) do Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 5/11.

Thời gian qua, NHNN đã thúc giục các ngân hàng tăng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, để được rót vốn tín chấp, DN phải tìm các giải pháp tăng niềm tin với ngân hàng.

Mỗi bên chạy một bờ sông

Ông Hoàng Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Nam Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các DN Việt Nam phải đối diện chính là vốn ít, nguồn lực yếu nên không thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Các DN như vậy chỉ cần một “tổn thương nhẹ” là có thể “ngã ngựa giữa dòng”. Do đó, cần tạo cơ chế để các DN có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, giúp họ thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó mới có thể vực dậy cả nền kinh tế.
Tăng cho vay tín chấp là một giải pháp được các ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa. 	 Ảnh: Lan Anh
Tăng cho vay tín chấp là một giải pháp được các ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa. Ảnh: Lan Anh
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm đưa ra con số chỉ có 30% DN loại này đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Thiếu vốn nên DN rất lúng túng trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Để hỗ trợ khối DN này tiếp cận vốn, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập Quỹ hỗ trợ DN hay Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này không lớn. “Quỹ hỗ trợ DN mới đưa ra, chưa đi vào cuộc sống. Còn Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV thì có quá nhiều điều kiện khiến DN không thể được bảo lãnh. Ví dụ, quỹ này yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nếu đã có tài sản thế chấp, DN cần gì nhờ đến quỹ bảo lãnh nữa?” - ông Kiêm nhấn mạnh.

Lãnh đạo một DN ví von, mối quan hệ giữa ngân hàng và DNNVV hiện nay vẫn như hai người chạy hai bên bờ sông, dù muốn gặp nhau nhưng không dễ để chạy đến điểm hẹn được. Cụ thể, DNNVV thiếu các điều kiện để ngân hàng yên tâm khi cho vay, như thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị DN chưa cao, dự án chưa thực sự lớn và đáng tin cậy… Còn ngân hàng thì vẫn chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi DN cần vay dài hạn. “Đó là lý do khiến DN và ngân hàng dù rất muốn gặp nhau vẫn luẩn quẩn như hai người chạy hai bên bờ sông, chỉ biết ngước mắt tha thiết nhìn nhau” - đại diện DN này chia sẻ. Bên cạnh đó, việc nhiều DN vay tiền rồi làm ăn không hiệu quả, vốn vay thành nợ khó đòi cũng là nguyên nhân khiến ngân hàng phải yêu cầu chặt chẽ trong cho vay.

Tăng cho vay tín chấp

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, trong đó có việc thúc giục các ngân hàng tăng cho vay tín chấp. Cụ thể, Nghị định 59/2009/NĐ - CP đã đưa ra chủ trương và chính sách hỗ trợ theo ngành nghề và địa phương, kêu gọi thành lập vườm ươm DN, quỹ bảo lãnh tín dụng DN. Năm 2014 và 2015, NHNN cũng kêu gọi các ngân hàng chủ động tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay vốn, bật đèn xanh cho ngân hàng thúc đẩy cho vay tín chấp, kêu gọi ngân hàng cải thiện hệ thống nội bộ xếp hạng khách hàng. Chính phủ cũng thúc đẩy các bộ, ngành như NHNN, Bộ Tài chính, KH&ĐT, Công Thương tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho rằng, các tổ chức tín dụng cần chủ động mở rộng tín dụng cho các DNNVV trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn. Ngân hàng phải xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng thông qua việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật. Việc đa dạng các sản phẩm tín dụng đối với khách hàng như: Sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá cũng giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.