Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 cầu vượt nhẹ làm thay đổi diện mạo giao thông thủ đô

Theo Vnexpress.net
Chia sẻ Zalo

Với 2 cầu vượt mới khánh thành, đến năm 2016 Hà Nội có 8 cầu vượt nhẹ ở khu vực nội đô, giúp giảm thiểu ùn tắc tại các nút giao trọng điểm.

Đầu năm 2012, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm, Hà Nội quyết định đầu tư và xây dựng thí điểm hàng loạt cầu vượt nhẹ bằng thép. Trong năm 2016, thành phố khánh thành thêm 2 cầu vượt nhẹ, nâng tổng số cầu loại này ở nội đô lên 8, với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng.

Gần đây nhất ngày 26/12, cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng được khánh thành sau 7 tháng xây dựng. Cầu dài 232 m, rộng 12 m, được chia làm 2 làn xe.

 

Ngày 21/5, cầu vượt nhẹ thứ 7 trong nội đô dài gần 600 m ở nút giao Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, bắt đầu thông xe, góp phần giải tỏa ùn tắc khu vực cửa ngõ phía Tây thủ đô. Cầu dài 595,7 m gồm phần cầu và đường dẫn. Trong đó, phần cầu vượt gồm hai làn xe, bề rộng 9 m, cho phép xe chạy 40 km/h.

Từ khi đưa vào hoạt động, cầu phát huy tác dụng, đặc biệt không còn cảnh xung đột, ùn tắc nghiêm trọng trên trục đường Trần Duy Hưng giao cắt với Nguyễn Chánh và Hoàng Minh Giám.
 Cầu vượt Trần Duy Hưng - Láng khánh thành vào ngày 16/12/2012, sau 7 tháng thi công. Cầu dài 315 m, dành cho 4 làn xe, với kết cấu trụ bê tông cốt thép, dầm thép hộp có độ bền vĩnh cửu chịu được trọng tải 80 tấn. Tổng đầu mức đầu tư cầu là 348 tỷ đồng.

Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, cầu đã giúp giảm tải phương tiện lớn, tránh ùn tắc nghiêm trọng ở ngã tư Trần Duy Hưng - Láng.

 Ngày 10/10/2013, cầu vượt tại nút giao Liễu Giai - Kim Mã dài 276 m, rộng 17 m, tổng đầu tư trên 300 tỷ đồng được thông xe. Cầu được xây vĩnh cửu, sử dụng dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép, cho phép các loại phương tiện lưu thông, trừ xe siêu cường siêu trọng.
 Sau 3 năm đưa vào hoạt động, cầu vượt Liễu Giai - Kim Mã đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ùn tắc kéo dài trên trục Kim Mã đi hướng Nguyễn Thái Học vào giờ cao điểm.
 Cũng trong năm 2013, Hà Nội thông xe cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (giao phố Huế - Bạch Mai) dài hơn 350 m, rộng 11 m, tổng đầu tư hơn 180 tỷ đồng. 
 Cầu vượt tại đường Lê Văn Lương - Láng Hạ rộng 9 m (gồm 2 làn ôtô, 2 làn xe máy), dài 315 m, kết cấu nhịp dầm thép kết hợp bê tông cốt thép với tổng đầu tư hơn 200 tỷ đồng, thông xe năm 2012. Cầu đã góp phần giải phóng ùn tắc trên đường Láng và trục Lê Văn Lương - Láng Hạ.
 Cũng khánh thành năm 2012 cùng ngày với cầu vượt Chùa Bộc, cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà với 2 làn ôtô đi 2 chiều, dài 220 m, mặt cắt ngang 12 m, tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, cầu đã giúp các tuyến Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng giảm thiểu ùn tắc và xung đột giao thông. Công trình này vừa được nâng cấp để tăng tải trọng, phục vụ tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của thủ đô.
 Cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà dài 227 m, mặt cắt ngang 7 m, tổng đầu tư 179 tỷ đồng. Ngoài 8 cầu vượt ở khu vực nội thành, Hà Nội còn có 2 cầu vượt khác ở nút giao Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) và cầu vượt Nam Hồng (Đông Anh), dự kiến năm 2017 khánh thành cầu vượt nút giao Cổ Linh (Long Biên).

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, từ một giải pháp tình thế, những cây cầu vượt đã chứng minh hiệu quả to lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông đô thị. Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm (năm 2010) có nguy cơ ùn tắc xuống còn 44 điểm (năm 2016).