Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 năm tù đối với nguyên Phó Tổng Giám đốc Seaprodex

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex do Lê Hòa Bình làm Phó TGĐ có chức năng xuất khẩu hàng hóa, hàng tháng đều được hoàn thuế giá trị gia tăng.

KTĐT - Theo bản án sơ thẩm, Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex do Lê Hòa Bình làm Phó Tổng Giám đốc Seaprodex kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu của Seaprodex, có chức năng chính là xuất khẩu hàng hóa, hàng tháng đều được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ngày 20/11, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Trung tâm xuất khẩu thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex).

Chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã tăng hình phạt đối với các bị cáo: Lê Hòa Bình (55 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Seaprodex kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex) từ 5 năm lên 8 năm tù; Phan Xuân Luận (51 tuổi, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thông tin dịch vụ thương mại quảng cáo Seaprodex) từ 12 năm lên 15 năm tù; Nguyễn Phương Hoa (51 tuổi, kế toán trưởng) từ 3 năm lên 7 năm tù; Đặng Thị Kim Quy (38 tuổi, thủ quỹ) từ 2 năm tù treo lên 4 năm tù.

Các bị cáo Luận, Hoa và Quy bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử cũng quyết định chuyển tội danh đối với các bị cáo: Đặng Thị Trần Châu và Lê Hòa Bình từ “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” sang “lừa đảo”, buộc Seaprodex phải trả cho Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3-10 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, Trung tâm Xuất khẩu Seaprodex do Lê Hòa Bình làm Phó Tổng Giám đốc Seaprodex kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu của Seaprodex, có chức năng chính là xuất khẩu hàng hóa, hàng tháng đều được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Thông qua Đặng Thị Trần Châu (Cán bộ phòng kinh doanh Seaprodex), Luận đã móc nối với Bình cùng với nhiều bị cáo khác, chia theo từng giai đoạn công việc để hợp thức hóa 29 container hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Đông Âu với tổng 29 hóa đơn giá trị gia tăng và thu lợi 3,08 tỷ đồng tiền hoàn vốn thuế của Seaprodex.

Thực hiện cho phi vụ làm ăn này, các bị cáo đã tìm đến 5 công ty trách nhiệm hữu hạn có chức năng tương tự là Thái Thắng, Bắc Giang, Dũng Hòa, Hồng Lâm Phát và Khởi Hoàng để xuất khẩu hàng hóa với phương thức nghĩ ra và ký tên khách hàng để lập hóa đơn thanh toán.

Trên thực tế chúng chỉ thanh toán 80 % giá trị hóa đơn cho những công ty này, 20 % còn lại lấy cớ làm lãi kinh doanh cho Trung tâm, chúng đã chia nhau hưởng lợi.

Bản án sơ thẩm này sau đó đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng buộc tội 3 bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Phương Hòa và Đinh Thị Kim Quy phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng đã truy tố, đồng thời đề nghị tăng án phạt đối với 3 bị cáo này.

Có 9/12 bị cáo trong vụ án này làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan.../.