Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 triệu USD mở rộng liên doanh sản xuất nhôm Việt Nam-Na Uy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng nhiều khách hàng ở Việt Nam đòi hỏi giải pháp nhôm có chất lượng cao hơn vì vậy tập đoàn sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ vị trí của liên doanh là nhà cung cấp các giải pháp nhôm được ưa chuộng.

Ngày 26/6, tại trụ sở Tập đoàn Sapa ở thủ đô Oslo của Na Uy, ông Svein Tore HolseTher, Chủ tịch Tập đoàn Sapa và ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành (Benthanh Group - BTG), đã ký hợp đồng phát triển giai đoạn hai của nhà máy Sapa BTG sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam. 

Chứng kiến lễ ký hợp đồng có Thứ trưởng Bộ Công Thương Na Uy Lars Jocob Hiim, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai, cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Sapa và Sapa BTG.

Sapa BTG là liên doanh giữa Tập đoàn Sapa và Tổng Công ty Bến Thành trên cơ sở thỏa thuận được ký kết tháng 7/2010 tại Oslo với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện Chính phủ Na Uy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: nanshan.com.cn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: nanshan.com.cn)
Theo hợp đồng mới ký ngày 26/6, gói đầu tư mở rộng giai đoạn hai này trị giá 8 triệu USD của Sapa BTG sẽ bao gồm lắp đặt thêm một máy ép mới lớn hơn máy ép hiện tại, xây dựng nhà xưởng và các thiết bị phụ trợ. 

Máy ép mới sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2016 và nâng tổng công suất của nhà máy lên 15.000 tấn trong vòng 3 năm tiếp theo.

Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai và Thứ trưởng Bộ Công Thương Na Uy Lars Jocob Hiim chúc mừng Tập đoàn Sapa và Tổng Công ty Bến Thành ký kết hợp đồng mới mở rộng hợp tác liên doanh, đánh giá cao kết quả hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối thương mại tự do Châu Âu-EFTA (trong đó có Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Liechtenstein) sẽ tạo khuôn khổ để tăng cường hơn nữa quan hệ đầu tư kinh doanh, thương mại giữa hai nước. 

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Thứ trưởng Jocob Hiim cũng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Việt Nam và Na Uy tiếp tục hỗ trợ để đưa doanh nghiệp hai nước gần hơn, có thêm nhiều hợp tác đầu tư, kinh doanh chất lượng và hiệu quả như liên doanh giữa Tập đoàn Sapa và Tổng Công ty Bến Thành. 

Ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành, đánh giá cao kết quả hợp tác, cũng như hiệu quả hoạt động của công ty thành viên Sapa BTG.

Ông cho biết quan hệ hợp tác giữa 2 tập đoàn rất tốt và liên doanh (Tập đoàn Sapa chính thức đầu tư vào Sapa BTG từ tháng 12/2010) hoạt động thành công, với sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. 

Trong giai đoạn 2011-2013, doanh thu của Sapa BTG tăng trung bình 9.4%/ năm và lợi nhuận trước thuế tăng 38%/năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của Sapa BTG còn được xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Ông Svein Tore Holsether, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Sapa, cho biết tập đoàn đã dự kiến cho việc đầu tư mở rộng ngay từ khi bắt đầu hợp tác. Việc mở rộng và phát triển hoạt động tại châu Á rất quan trọng đối với Tập đoàn Sapa, giúp tập đoàn khẳng định vị trí là một nhà cung cấp giải pháp nhôm hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, ông Keith Jones, Chủ tịch Sapa BTG và là Chủ tịch Tập đoàn Sapa tại châu Á, cho biết nhôm đang là vật liệu được ưa chuộng tại các nước do tính chất nhẹ, chịu nhiệt cao và đặc biệt thích ứng với khí hậu khắc nghiệt tại Việt Nam. 

Ngày càng nhiều khách hàng ở Việt Nam đòi hỏi giải pháp nhôm có chất lượng cao hơn vì vậy tập đoàn sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ vị trí của liên doanh là nhà cung cấp các giải pháp nhôm được ưa chuộng. 

Theo ông Jones, Sapa BTG sẽ cung cấp các giải pháp nhôm định hình đa dạng hơn và với chất lượng cao hơn, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng các công trình cao tầng, nội thất, công nghiệp ứng dụng, tự động hóa và các ngành kỹ thuật cao hướng đến không chỉ khách hàng trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á. 

Tập đoàn Sapa là liên doanh giữa Orkla và Hydro - hai trong số những doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy. Dẫn đầu thế giới về giải pháp nhôm, Tập đoàn Sapa đang định hình một tương lai tươi sáng hơn thông qua mạng lưới toàn cầu và hiện diện tại nhiều quốc gia trong lĩnh vực ép nhôm, nhôm xây dựng và nhôm ống chính xác.

Công ty có trụ sở tại Oslo, với 23.000 nhân viên đang làm việc tại hơn 40 quốc gia. Ngoài Việt Nam, Tập đoàn Sapa hiện có một nhà máy sản xuất tại Ấn Độ và ba nhà máy tại Trung Quốc.