Theo đó, Thái Nguyên, Hải phòng và Khánh Hòa là 3 tỉnh được lựa chọn triển khai đánh giá mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên gồm 2 xã đang triển khai mô hình là Minh Lập và Minh Sơn và thị trấn Bãi Bông tự nhân rộng mô hình. Hải Phòng có 2 xã đang triển khai là Tân Hưng và Hùng Tiến. Tỉnh Khánh Hòa có phường Phước Hải, Phương Sơn và phường Vĩnh Phước chưa triển khai mô hình.
Kết quả đánh giá cho thấy, thiết kế mô hình về mục tiêu và các hoạt động hoàn toàn phù hợp với chiến lược và chính sách của Chính phủ cũng như ưu tiên của chính quyền địa phương về hỗ trợ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhờ vậy tỉ lệ trẻ em được đáp ứng nhu cầu dịch vụ trong các xã thực hiện mô hình này là rất cao (Khánh Hòa có 100%, Thái Nguyên 95%, Hải Phòng 98%).
Tỉ lệ trẻ hài lòng với các nhu cầu cũng được đáp ứng khá cao, thể hiện ở việc 60,7% trẻ hài lòng được hỗ trợ sữa, 84% trẻ hài lòng về làm giấy khai sinh, 54% trẻ hài lòng hỗ trợ học phí, 65% trẻ em hài lòng khi được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập… 80% các cháu cảm thấy vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn và thích đi học hơn so với 1-3 năm trước. Hơn 82% gia đình của các cháu được hỏi cho biết cảm thấy hài lòng về sự giúp đỡ của cộng đồng. Điều đáng mừng là các hoạt động của dự án đã nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đời sống vật chất và tình cảm của nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt đã được cải thiện.
Tại địa bàn dự án, những người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tham gia các lớp tập huấn đạt tỷ lệ khá cao, người trực tiếp chăm sóc trẻ chủ yếu là bố/mẹ và ông/bà đã được cung cấp các kiến thức cơ bản như kỹ năng chăm só trẻ về dinh dưỡng, sức khỏe và vệ sinh cá nhân; quyền lợi, các chính sách xã hội về y tế, giáo dục, trợ cấp cho trẻ; chăm sóc tâm lý và quyền trẻ em. Cán bộ các ban ngành đều biết và quan tâm đến mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Nhận xét về Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang được triển khai tại 8 tỉnh thành, TS Minh Lộc khẳng định: “Mô hình đã giúp có được những thông tin tốt, rõ ràng cho công tác quản lý và chăm sóc toàn diện cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Mô hình có tác động tích cực lên nhận thức về trách nhiệm cũng như hành động về tư vấn hỗ trợ chính sách của cán bộ nhà nước và nhận thức của cộng đồng đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình trẻ”.
Đánh giá sơ bộ về mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho hay: “Mô hình triển khai được hơn 3 năm, có những kết quả nhất định ban đầu. Đặc biệt tạo ra được những mô hình điểm để kết nối được từ các cấp chính quyền địa phương, phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc chăm sóc trẻ em bị HIV/AIDS, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng. Và một điều nữa là những trẻ em được chăm sóc có sự cải thiện về đời sống, tâm tư tình cảm và sự kỳ thị của xã hội đối với các em giảm bớt đi”.
Ảnh minh họa.
|
Để giúp cho việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em toàn diện, với sự hỗ trợ của Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), từ năm 2010 Bộ LĐTB&XH đã triển khai Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 8 tỉnh thành phố. Bao gồm Yên Bái, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình này sẽ làm cơ sở nhân rộng, giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ nhiều hơn. |