9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ phương hướng, nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bên cạnh các kết quả đạt được.

Trong năm học qua, ngành giáo dục đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học bước đầu đã có kết quả tốt. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng  chăm sóc và giáo dục được nâng lên; Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng giáo dục THCS được duy trì; Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh THPT được nâng lên. Giáo dục đại học từng bước nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế. Cụ thể, việc quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân chậm được điều chỉnh. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả. Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt, trong khi đó, chất lượng giáo dục dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù đang thực hiện đề án Ngoại ngữ, nhưng phương pháp và các điều kiện dạy – học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu, cũng như chưa tạo được môi trường giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh. Việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp, tiếp cận chủ yếu từ góc độ tài chính.

Năm học 2016 – 2017 là năm thứ ba triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ với 9 nhiệm vụ ưu tiên tập trung trong thời gian tới. Cụ thể là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục cũng như giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục ĐH; hội nhập quốc tế. Và, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT.