Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

95% điểm bán thuốc lá vi phạm luật và các quy định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo kết quả điều tra, 95% điểm bán thuốc lá vi phạm quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại; tỷ lệ vi phạm quy định về cấm trưng bày quá một bao, hộp hoặc tút của một nhãn hiệu thuốc lá cũng lên tới 90%.

 Từ năm 2000, trong Chính sách quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000-2010 đã quy định cấm quảng cáo, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức. Chỉ thị số 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định trên.
 
Ngoài ra, ngày 11-11-2004, Chủ tịch nước cũng đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Tuy nhiên, các kết quả do Trường Đại học Y tế công cộng thống kê vào tháng 12-2012 và tháng 1-2013, từ 1.500 điểm bán thuốc lá ở mười tỉnh/thành phố nước ta, lại cho thấy những thực trạng đáng lo ngại.
 
95% điểm bán thuốc lá vi phạm luật và các quy định - Ảnh 1
 
Tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Khánh Hòa, 100% các điểm bán trong diện điều tra đều vi phạm quy định cấm trưng bày quá một bao, hộp hoặc tút của một nhãn hiệu thuốc lá.
 
Hoạt động khuyến mại tại các điểm bản chủ yếu tồn tại ở các hình thức như: đóng gói nhỏ hơn 20 điếu, tặng quà khi mua sản phẩm và khuyến mại về giá.
 
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, hình thức lách luật để khuyến mãi còn tinh vi hơn: thuê các cô gái trẻ làm nhân viên tiếp thị, quảng cáo trên bảng, biển hiệu, ô, dù, tủ trưng bày, thùng xe…
 
Không những vậy, các chủ cửa hàng, đại lý đều có nhận thức chưa tốt về các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá; hơn nữa, năng lực của cơ quan quản lý chức năng, thanh tra khu vực còn hạn chế, chưa đáp ứng được tất cả các nội dung kiểm tra điểm bán thuốc lá.
 
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá 25 tới 31-5-2013, được tổ chức sáng 25-5 tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy, việc cấm quảng cáo thuốc lá toàn diện sẽ giúp giảm số lượng những người bắt đầu hút và số lượng người sử dụng thuốc lá”. Bà nhấn mạnh, các biện pháp này có “chi phí thấp và hiệu quả cao nhất”. Theo bà, nhân dịp này, Bộ Y tế muốn kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện, những nơi công cộng, theo quy định của Luật phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá; đồng thời, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, kêu gọi cả nước cùng nhau xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành, không khói thuốc.
 
Cũng tại buổi lễ, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, chánh Văn phòng chương trình PCTH thuốc lá, đã nêu ra những khó khăn còn tồn tại trong quá trình thực thi bộ Luật này như: Hạn chế về nguồn lực trong công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn kém…
 
Về định hướng hoạt động PCTH thuốc lá trong thời gian tới, ông cho biết, Văn phòng Chương trình PCTH thuốc lá sẽ tiếp tục chú trọng công tác thông tin, giáo dục và tuyên truyền; thành lập các đoàn thanh tra liên ngành giám sát việc thực thi luật; tập trung hoàn thiện Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCTH thuốc lá; phối hợp với các ban, ngành, tổ chức khác trong công tác mở rộng các mô hình điểm về môi trường không khói thuốc và nhân rộng mô hình này trong thời gian ngắn nhất.